Status

Be happy, my dear!

Tuesday, February 27, 2007

Thực dụng


Ngày hôm nay, một người đáng kính đã nhận xét mình là người “thực dụng”! Sốc! Thế nào là người thực dụng trong cách nói của người đáng kính ấy, mình cũng không biết nữa, có thể họ chỉ đùa, có thể là thật, dù thế nào, vẫn sửng sốt khi biết về mình-trong-mắt-người-khác như thế.

Mình không hiểu, thực sự không hiểu nổi. Trước con người đáng kính ấy, mình thậm chí cảm thấy sợ vì họ lớn quá, mình quá nhỏ và nhút nhát. Một lời nhận xét của người đó ảnh hưởng tới mình biết bao. Nếu là người khác thì mình chẳng để tâm làm gì. Thế mà… “Thực dụng” có lẽ là tính từ cuối cùng mình muốn nghe ai đó nhận xét về mình, bởi vì mình thấy nó khác mình quá, nó không giống mình, mình không giống như thế.

Có thể vì họ thấy rằng mình đã không theo đuổi văn chương hay nghề giáo viên như họ nghĩ. Có thể vì họ thấy rằng trong khi bạn bè mình chăm chỉ học hành và nghiên cứu khoa học thì mình học hành nhởn nhơ và cật lực làm việc cho những công ty chẳng liên quan gì đến thế giới sách vở cả. Có thể là một tỉ lí do nào đó…

Đành kệ thôi! Dù người ấy có đáng kính biết bao nhiêu, mình cũng không thể thay đổi cách sống của mình được. Mình muốn sống tự do, được làm những công việc mình thích, giao tiếp với những người trẻ trung và năng động. Mình đã lựa chọn và phải chịu trách nhiệm về điều ấy, những người nói này nói kia - họ không thể sống thay cuộc đời của mình được. Nhưng mà bị hiểu lầm không rõ lí do như thế thì cũng hơi đau khổ một chút, hơi chán, hơi muốn khóc…

Và đôi khi, những lần như thế này, cũng là để mình tự nhìn lại mình…

Thursday, February 22, 2007

Paris trong trái tim tôi


Không phải là những đường phố hoa lệ sáng đèn, đẹp kiêu kỳ và sang trọng – điều đó, xa vời với tôi. Không phải là tháp Effiel sừng sững trong bầu trời đêm Paris xanh thẳm, như tôi đã thấy trong bức tranh ghép mà em Mèo tặng. Không phải là sông Seine nên thơ mà chị vẫn ca ngợi, kể đi kể lại không biết bao lần cái giây phút đầu tiên chị được khoả tay xuống dòng nước ấy. Cũng chẳng phải nhà thờ Đức Bà trong cuốn tiểu thuyết làm tôi đổ không biết bao nhiêu nước mắt năm nào. Tôi từng nhiều lần mơ màng về những góc phố nhỏ, những quán cà phê ven đường hay đài phun nước lung linh trong ánh sáng lãng mạn ấm áp màu vàng của Paris về đêm. Và rất nhiều, rất nhiều nữa, tôi đọc, ngắm nghía và tưởng tượng đủ thứ về Paris và nước Pháp. Nhưng đó tuyệt nhiên không phải là một Paris trong trái tim tôi!

Paris, bây giờ cô đang làm gì?

Paris trong trái tim tôi là thế - Ý nghĩ đầu tiên và cuối cùng bao giờ cũng dành cho cô.

Mùa đông Paris lạnh và dài, tôi luôn sợ cô ốm! Cô giáo bé nhỏ của tôi, với cặp kính dày cộp và chồng sách cao ngất trong thư viện. Cũng là do tôi tưởng tượng ra thôi! Nhưng hẳn là như thế, nếu không sẽ chẳng phải là cô. Lần đầu tiên nhận được email của cô, rất cảm động và sẽ còn nhớ mãi. Vài dòng ngắn ngủi, nhưng đủ cho tôi nhớ thương cô và Paris vô cùng…

Bay gio dang la mua he o Paris, thoi tiet nam nay hoi that thuong, luc thi rat nong, luc lai lanh nhu mua thu vay.
Toi da nghi he roi, nhung viec doc thi van cu tiep tuc deu dan.
Toi nghi Ha la nguoi co nang luc, nen co gang nhe,
chuc mua he vui,
co tin gi dac biet o VN nho cho toi biet nhe
”.

Đó là email duy nhất. Có lẽ cô rất bận với việc nghiên cứu, với thư viện, với những tập thơ và nỗi cô đơn bất tận của mình. Tôi bằng lòng với vị trí chỉ là một trong hàng trăm ngàn sinh viên đã và sẽ được học cô. Có lẽ cô không nhớ. Nhưng tôi sẽ không quên: cô là người duy nhất đã động viên và tin tưởng tôi. Khi đề tài của tôi bị người giáo viên thứ 5 từ chối với cùng một lí do “đề tài này quá khó, em không làm được đâu”, tôi chán nản đến độ gần như tuyệt vọng! Tôi tìm đến cô, không hy vọng có câu trả lời khả quan hơn. Nhưng bất ngờ cô lại nói với tôi rằng “Tôi tin bạn làm được!” – Chỉ một câu nói đó thôi, cho tôi rất nhiều dũng khí và niềm tin vào sự lựa chọn của mình. Tôi đã làm được, bởi vì tôi tin vào tôi và có cô tin vào tôi!

Tôi ngưỡng mộ trí thông minh, kiến thức sâu rộng và sự sắc sảo của cô. Nhưng hơn tất cả, tôi hàm ơn cô vì câu nói đầu tiên ấy.

Paris, Paris, và Tết, không biết cô thế nào? Trong niềm hạnh phúc được sum họp gia đình, bỗng thương người đi xa…

Khai bút

(Entry này được trích từ tập Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài - tuyển tập có rất nhiều bài hay về văn hoá Hà Nội xưa - kid đã mạo muội rút gọn một số đoạn trong nguyên tác...)

*

Không biết từ bao giờ người ta đã có ý nghĩ về cái gì mới nhất như thế. Bước vào một năm mới, bất cứ thế nào, quang cảnh ra sao, của ta, của người, của xung quanh, từ một sinh vật ra đến ngoài trời đất, cái mà ta làm hay việc xảy đến, hay ta trông thấy, ta gặp đầu tiên, kể từ lúc giao thừa rồi sang canh, đều tưởng như có hình hài với rủi may của con người suốt một năm trời đương tới.

Trong tâm tưởng và mong ước của người thì một năm tốt lành y nguyên chờ đợi, năm mới đã đến cho con người phủi đi, quên đi cái năm cùng tháng tận vừa rồi ngổn ngang những trắc trở, lận đận, những lo toan chẳng đâu vào đâu. Câu "tống cựu nghênh tân" hầu như đã thành cửa miệng.

Người làm việc quan, dẫu chỉ chức tước ở làng, bé bằng con muỗi mắt, có cái triện đồng triện gỗ, đồng triện hay mộc triện giắt hầu bao thì các ông lý trưởng quán xuyến mọi bề, ông hộ lại cai quản sinh, tử, giá thú, ông trưởng bạ trông coi sổ sách về đất cát, điền địa đều làm mâm lễ sắp ấn hôm hai mươi tháng chạp rồi sang giêng được ngày lành lại làm cỗ cúng khai ấn.

Mùng sáu tháng giêng ngày chẵn, các nhà chủ đều động thổ khung cửi. Anh thợ vào khung ngồi xuống đòn ngồi, lạch cạch đạp chân đòn, đưa mấy nhát thoi qua mặt cửi. Rồi qua nhà ngoài với các cô thợ hồ, thợ tơ được gia chủ mở hàng đồng hào ván rồi đánh chén. Hôm ấy chỉ làm cốt lấy ngày, lấy may, phải đến phiên này mọi công việc tơ cửi mới bắt đầu.

Đồng áng nhà nông thì mùng bảy, khi hạ cây nêu rồi bác tôi nhấc cái vai bò trên nóc chuồng giắt con bò ra ruộng cày vài đường, lễ hạ điền. Ngày xưa, hôm ấy nhà vua đi cày, làm gương cho bách tính. Các làng dân tộc Tày trên Bắc Cạn, hôm hạ điền là ngày tết, cả vùng mặc xống áo mới đi chơi nhởi hội "xuống đồng" (lồng tùng).

Xuất hành phía nào, hái lộc cây gì, khai ấn, khai bút, động thổ, xuống đồng... những tục lệ chan chứa ước vọng về một năm mới.

Từ điển tiếng Việt, viện Ngôn ngữ 1994, cắt nghĩa. "Khai bút: Cầm bút viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm, theo tục xưa. Đầu năm khai bút. Câu thơ khai bút".

Không nhớ tôi có cái thích khai bút từ năm nào. Nhưng đến bây giờ vẫn giữ thói quen hay hay ấy. Và vẫn nhớ tôi khai bút năm mới từ những năm còn xa xôi với nghề văn. Khai bút lăng quăng mấy chữ vào nhật ký, làm bài thơ, viết cái thư, viết vẩn vơ... Rõ ràng một điều gì chờ đợi.

Đến khi làm nghề văn thì mỗi năm tôi khai bút bằng viết một truyện ngắn. Trong nghề viết có những việc nực cười, chẳng ra làm sao. Bạn đọc cần báo Tết. Người mua báo Tết cũng như mua hoa đào, cành đào ở Hà Nội hay quả dưa ở Sài Gòn và thói quen mua báo Tết đáng yêu đến độ nhất định phải sắm nó về bày trên án sách, bàn nước, chưa chắc đã đọc ngay. Thế là người làm báo phải lăn lưng vào viết bài.

Ấy là cái sự viết bài báo Tết. Các bài in trên báo Tết âm lịch đều được viết từ khoảng tháng mười dương lịch. Như đêm nay đầu tháng 11 tôi đương ngồi viết bài này mà tôi tự đùa là "tôi làm hàng tết". Quanh tôi chưa thấy tết đâu. Cơn áp thấp nhiệt đới đương vào Đà Nẵng, ngoài này thì giao mùa, còn tiếng sấm rớt nhưng đã chớm lạnh, đường phố lầy lội sùi sụt suốt đêm mưa dầm. Tiếng rao "Khúc ơ! Bánh khúc ơ!", tiếng được tiếng mất thảng thốt trong khuya. Còn hai tháng nữa mới đến Nguyên Đán. Các báo Tết đều phải làm trước Tết dương lịch. Tất cả các báo từ Sài Gòn ra Hà Nội đã mời cộng tác viên viết bài Tết, quảng cáo rầm rộ báo Tết, trong khi cảnh trời và cảnh người chưa mảy may vẻ Tết. Thế mà trong đầu đã phải nghĩ ngợi cho rộn rực những Tết là Tết để viết bài. [...]

Bài Tết xong đã từ tháng trước, và bấy giờ mới sắp Tết. Tôi thường viết cái truyện ngắn trong đêm giao thừa cho tới quá nửa đêm. Thì rõ ràng là đương khai bút đây. Đêm giao thừa thức nghe cái nửa đêm cuối cùng và cái nửa đêm mới nhất của hai năm nối nhau. Cũng chẳng phải một mình tôi tò mò. Biết bao nhiêu người đã không ngủ đêm giao thừa, từ xưa tới nay. Năm cũ qua, năm mới đến, tiếng chuông chùa văng vẳng ngân ngư xa xa, người thắp nén hương mới, người thay bát nước cúng trên bàn thờ rồi bước ra nhìn vòm không và bóng tối quanh mình, như tìm cho thấy kỳ được cái xuân đương sang. Nếu thấy mưa dầm sập sùi, đêm hôm ảm đạm, thế là mùa màng thất bát đến nơi. Trời hanh hao nhưng chưa dứt nồm, sang canh ba mưa dây mưa rợ thoang thoáng mát mặt nhưng không thấm vai áo, đằng chân trời bỗng ùng ục tiếng sấm mới. Sấm no, thế là rồi ra năm nay mưa thuận gió hoà... Trông về phía thành phố, trời hẩng hơn các phía khác. Cứ ngỡ thế, mong thế, bất chợt những niềm vui nho nhỏ đến với người đợi giao thừa.

[...]
Khai bút giao thừa vào ngày xuân, chuyện Tết viết giữa tết nhất, đấy mới rõ ràng trong không khí Tết. Rồi làm thế nào đăng được bài vào báo tết. Báo tết mới đã có bán cả tuần nay rồi.

Thưa rằng, vẫn in được vào báo Tết như thường. Nhưng là báo Tết sang năm.

Toà báo tôi cộng tác ngày ấy có một kiểu làm việc mà bây giờ không ai làm thế. Không nhiều thì cũng ít ra thuở ấy có một ông chủ báo làm như thế. Mùng hai Tết, tôi đến Hàng Bông mừng tuổi năm mới ông Tân Dân chủ báo, đem theo bản thảo truyện ngắn Vợ chồng trẻ con. Tôi đưa ông Tân Dân cái truyện ngắn như mọi khi đến hẹn nộp bài. Chủ báo hỏi vui: "Ông cho tôi bài Tết à?" - Thưa vâng. - Cái này tôi để sang năm in. Ông viết sốt rẻo quá! - Thưa vâng.

Ông chủ quán báo đưa tiền nhuận bút như lệ mỗi lần ông nhận bài của tôi. Nhưng số tiền là hai mươi đồng hậu hĩnh gấp đôi mọi khi. Ông xoa tay nói: "Năm mới, mở hàng ông năm nay làm ăn phát tài". Viết bài Tết, được tiền chơi xuân. Năm sớm mọi sự may mắn, vui vẻ. Để Tết sang năm đăng thì cũng vẫn là viết trong Tết, giữa Tết, in để đọc Tết, chứ sao!

Khai bút năm mới, một phong tục hay của mỗi người. Cái chờ đợi đương tới.

Mồng Một Tết


Trời đã Tết, khói xanh mờ bụi nước
Góc vườn em hoa mận đã đơm khuy
Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc
Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về… (*)

Khai bút đầu năm… Muốn viết một cái gì đó trong sáng, tĩnh lặng và thơm tho như buổi sáng mồng Một! Như buổi sáng ấy, khi mở mắt ra, ý nghĩ đầu tiên ập tới là: Năm mới rồi! Hôm nay là ngày đầu tiên của năm mới! Có phải mình đang mơ không nhỉ? Quay đầu sang bên, thấy em Mèo cười híc híc, “Nhợn con ơi, mừng tuổi em đi!” – Ôi, ôi, năm mới thật rồi!.

Nhớ lại những đêm giao thừa đã qua, rất giống nhau, như thế nào nhỉ: từ 9 giờ bắt đầu lượn lờ ngoài đường với 6 pigs, cả nhóm sẽ ngồi trong 1 quán nước nào đó, lại trà và cà phê, một ly rượu ngọt môi hương vị ngày cuối năm. Gần 12 giờ, 6 con ỉn lăn ra đường, hoà vào đám đông leo lên đồi Thanh Niên - từ đây, có thể thấy toàn cảnh phố núi đêm giao thừa, lung linh trong màn sương và ánh đèn lấp lánh, và nếu có pháo hoa, sẽ cảm thấy bông pháo hoa rất gần, nở bung muôn vàn tia sáng ngay trên đầu mình. Trong lúc ấy, mình muốn ước, mình đã ước…

Thế rồi tất cả đều háo hức xuống đường hái lộc, mình thường hái một cành lộc bé tí teo thôi, để cây còn lớn, và háo hức mang cành lộc xanh tươi xông thẳng vào nhà, bắt tay bố - hỉ hả tuôn bài chúc mừng năm mới với “gia chủ”... Bố đứng trước bàn thờ, lầm rầm khấn vái những gì, những gì ấy, còn hai chị em mình thì chạy ra trước sân, thấy bầu trời cao thoáng, không khí mát lạnh, lòng trào dâng một niềm vui tinh khôi! Năm mới rồi! Hai chị em muốn nhảy, muốn hét to lên câu ấy. A, mình tự dưng còn muốn làm thơ nữa, năm nào cũng muốn khai bút bằng một bài thơ nhưng chỉ nghĩ được hai từ đầu tiên Mùa xuân… Ừ, mùa xuân thì sao nhỉ? Mùa xuân…chẳng sao cả! Đến đó thì tịt ngóm, hihi… Mùi hương trầm thơm ngát tràn lan không khí. Đó là khoảnh khắc mình thích nhất của Tết, thích nhất, thích nhất, thích nhất…

Bố xua hai cô “cách cách” đi ngủ, và bao giờ cũng để hai bao lì xì dưới gối hai chị em. Mặc dù lớn rồi, vẫn thích được bố mừng tuổi, thích giả vờ nhắm mắt đi ngủ, đợi bố đặt bao lì xì dưới gối xong rồi mới yên tâm ngủ ngon…

Năm nay không có pháo hoa, không đi hái lộc với 6 pigs, điện thoại bị nghẽn mạng, không gọi được, cũng không gửi tin nhắn được. Nhưng vẫn còn nguyên trong lòng niềm vui ngây thơ của buổi sáng đầu năm, khi cuộc sống thật mới, thật đẹp với hai chữ BẮT ĐẦU


(*) Thơ này không bít của ai, không hiểu sao mình lại có được, và nhớ, và thích…

(**) Ảnh của sonlam (photo.vn)

Tuesday, February 13, 2007

CHÚC MỪNG NĂM MỚI - HAPPY NEW YEAR!


Lại một năm con ịn nữa... Chúc mọi người năm mới "Strong in bed, money in pocket and never sad"!

Bibi Hà Nội, hẹn gặp lại năm sau...


Saturday, February 10, 2007

Tiếng Việt

"Cái còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả - đó chính là văn hoá" (Edouard Herriot).

Và trong văn hoá, cái đầu tiên phải kể đến, đó chính là tiếng nói dân tộc.

Nhân thể đang làm tiểu luận về vấn đề này, post lên đây một bài thơ mà tôi rất thích. Tôi thích bài thơ này của Lưu Quang Vũ, không phải vì một thứ tự hào ích kỷ mà vì một tình yêu thật sự với tiếng Việt (trong khi vẫn mong muốn học giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và một số thứ tiếng khác - nếu có thể, hehe )!

TIẾNG VIỆT

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi,
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

"Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt"
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

... Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá, môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình!

Sunday, February 04, 2007

Bài hát tiếng Nhật

Không biết một chữ tiếng Nhật nào, nhưng dạo này bị bạn "đầu độc" nhạc Nhật, cứ nghe hoài...

Kid rất muốn up hai bài nhạc Nhật yêu thích lên blog để "chia" với mọi người nhưng mà tìm mãi trên Google Video không có, chắc tại không bít tiếng Nhật nên không tìm được, huhu...

Không hiểu rõ ca từ của hai bài hát này lém nhưng mà nghe giai điệu rất thích: bài KANAYO KANAGO và bài SAYONARA

Làm sao mà tìm được hai bài này đây, huhuhu

*** Cảm ơn ai đó sau khi đọc entry này đã gửi cho Kid rất nhiều bài hát Nhật Cám ơn nhìu nhìu...