Status

Be happy, my dear!

Friday, December 19, 2008

Tiếp tục nhớ Cao Bằng


Sáng ngày hai, cả đoàn dậy sớm, cơm nắm xôi đùm hành quân lên thác Bản Giốc. Trước kia, tôi cũng từng nhìn thấy ảnh chụp thác này trên báo đài nhưng quả thực phải tận mắt ngắm mới thấy hết vẻ hùng vĩ của nó.

Toàn cảnh thác Bản Giốc nhìn từ trạm kiểm soát của nước mình (rất cao và rất xa).

BanGiocwaterfall

Một nửa thác Bản Giốc thuộc về Trung Quốc

BanGioc2

Những người mới hôm qua thôi còn chưa quen biết nhau…

CBOT2

Non xanh nước biếc

BanGioc9

Trời và nước và cây chung một màu xanh

BanGioc4

Nước buông xuống như một tấm rèm lụa

BanGioc3

Thật may mắn vì chúng tôi đến thăm nơi này vào mùa đông, khi dòng nước đã vơi bớt để lộ ra nhiều tầng thác cao thấp khác nhau. Về mùa hè, toàn bộ khu vực thác sẽ là một biển nước tràn trề, xóa nhòa những ranh giới. Tự dưng thấy nó hao hao giống “Thuỷ Liêm động” trong Tây Du Ký:

BanGioc6

Giữa ba tầng thác, một ngư ông vẫn điềm nhiên ngồi câu cá

BanGioc5

Còn trên tầng thác thứ 2 là… ngư cô!

BanGioc7

*


Sau thác Bản Giốc là động Ngườm Ngao (nghĩa là Hang Hổ vì ngày trước hổ thường vào hang này bắt cá).

Trên đường đến Ngườm Ngao: sơn thủy hữu tình

Beauty

"Những người trên đồng" :

Straw

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Ngườm Ngao và các hang động khác là nền động không bằng phẳng mà lại uốn lượn như ruộng bậc thang và được ví von là “ruộng tiên” (từ xưa tới nay mình đâu có thấy tiên làm ruộng bao giờ nhỉ?).

NguomNgao2

Vòm động Ngườm Ngao

NguomNgao1

“Suối vàng, suối bạc” trong động Ngườm Ngao. Suối vàng to hơn, suối bạc chỉ lấp lánh một dải nhỏ ở bên. He he, càng tốt, vàng đang lên giá.

NguomNgao3

Đài sen úp ngược - một trong bốn “kỳ quan” nổi tiếng nhất của động Ngườm Ngao, thường xuyên được lên trang nhất các cuốn Sổ tay hướng dẫn du lịch của Cao Bằng. Rất tiếc là máy ảnh của mình bắt sáng không tốt nên chỉ chụp “mờ ảo” được như vậy thôi.

NguomNgao4

Hết lên thác xuống… hang, cả đoàn quay về với thị xã Cao Bằng và may mắn tìm được một nhà trọ mới với những người chủ hết sức tốt bụng và nhiệt tình.

Đêm giao thừa lạnh tê tái. Tình cờ, hôm ấy lại là ngày sinh nhật của Phó đoàn, cả hội kéo nhau đi ăn đêm (có cháo nóng, khoai nướng và gì nữa nhỉ? nhiều quá, không nhớ nổi) rồi vào quán karaoke đón năm mới. Không còn phân biệt lạ - quen, không câu nệ chuyện tuổi tác, những người xa lạ quanh tôi phút chốc bỗng hóa thân thương và gần gũi, gương mặt nào cũng hồng hào, tưng bừng trong giai điệu bài hát “Happy New Year” – một hình ảnh mà có lẽ suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên được.

*

Ngày 3, chúng tôi đến thăm khu di tích Pác Bó. Không hiểu vì mùa đông không phải mùa du lịch hay bởi người ta đã lãng quên nơi này nên cả khu di tích rất đìu hiu, vắng vẻ; qua cổng kiểm soát cũng không có ai hỏi han!!!

LeninStream2

Suối Lê Nin trong vắt và vô cùng nhiều cá. Cảm giác chỉ cần khua tay cũng có thể tóm được một chú. Nghe nói người dân ở đây chẳng bao giờ bắt cá ở suối này. Đàn cá thường lượn lờ ở ngay gần bờ kè để đợi du khách cho ăn… mì tôm sống.

Cho dù mọi sự đổi thay, suối vẫn xanh một màu xanh huyền thoại:

Leninstream4

Nơi bác Hồ thường ngồi câu cá sau giờ làm việc.

Leninstream3

Mình cũng phải bon chen ngồi câu… que ^^

Hang Pác Bó: Còn đâu chứng tích một thời?

Pacbo1

“Cháu ngoan Bác Hồ”:

PacBo2

Không hiểu các cơ quan quản lý có “can thiệp” gì vào cái di tích nổi tiếng này không mà mình thấy lòng hang rất bé, phải nói là cực kỳ bé so với một cái hang thông thường. Chiều ngang của hang chỉ rộng y như trong ảnh vậy thôi. Trên vách hang có rất nhiều mảng xi măng thay vì vách đá tự nhiên và ngoài cửa thì có cả một cái máy trộn bê tông đã bị vứt xó!!!

Đây suối Lê Nin, kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà


LeninStream

Đáng buồn là ngoài con đường xây bằng đá và các tấm biển chỉ đường ra, không có dấu hiệu nào cho thấy nơi đây được quan tâm bảo vệ và đầu tư phát triển du lịch. Thậm chí, khu nhà của ban quản lý và khu trưng bày (thường thấy ở các điểm du lịch khác) cũng không có nốt. Cả đoàn cứ chắc mẩm là đến đây sẽ thuê hướng dẫn viên để biết thêm về di tích lịch sử này, thế nhưng chẳng có ai ngoài những người bán hàng trong dăm ba cái lán lèo tèo bên suối Lê Nin.

Điều đó khiến tôi cảm thấy bâng khuâng khi đứng trên mảnh đất một thời từng là “cái nôi cách mạng” này, nơi có thể nhìn thấy cả cột mốc VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI (Border belt) của Tổ quốc và vẫn còn như nghe thấy thấp thoáng đâu đây “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.

Trong lòng cứ vẩn vơ một nỗi buồn như thế…

*
Nhớ Cao Bằng, nhớ Bản Giốc hùng vĩ, nhớ Ngườm Ngao kì thú, nhớ khu di tích vắng vẻ, nhớ cả vị hạt dẻ thơm bùi… Nhớ nhất là những người bạn mới, có người lướt qua, có người ở lại với tôi một quãng đời nào đó, có người lại cùng tôi tiếp tục những chuyến đi…

NewFriends

Đi rồi, qua rồi, nhớ về Cao Bằng, chỉ muốn nói 1 câu thôi: Chúng tôi trẻ, chúng tôi đi và chúng tôi hạnh phúc biết bao!

Monday, December 15, 2008

Quê nội


Tôi yêu quê bằng thứ tình yêu viển vông của người không sinh ra và lớn lên ở đó, nhưng vấn vít mãi không thể lìa. Tôi nhớ những đêm hai bố con chạy xe không về quê, trên con đê hun hút vắng lạnh. Đường toàn sỏi đá với ổ gà, ổ voi, xóc lộng óc, tâm trí non nớt của tôi tưởng tượng ra không biết bao nỗi ám ảnh đang rập rờn ngoài kia, trên những cánh đồng im tối. Thế rồi bỗng nhiên trong màn sương đêm mờ lạnh, bóng cây đa đầu làng lừng lững hiện ra. Lòng trùng xuống, nhẹ cả người, thế là về tới nhà rồi.

Vẫn còn nhớ “Giếng đầu làng vừa trong vừa mát…”. Vẫn còn nhớ vườn táo xanh mướt, rộng rinh, trĩu quả. Vẫn còn nhớ những ngõ nhỏ quanh co, đi mãi mới tới nhà ông bà, bao năm qua giờ vẫn thế, sặc mùi rơm rạ và phân bò ngai ngái. Vẫn còn nhớ ngôi nhà năm gian của ông, với bể nước mưa rộng rinh, với cây rơm to đánh đống, với dáng bà nội lưng còng chạy ra tận cổng đón cháu. Chao ôi là quê hương… Nhớ quay quắt!

Càng nhớ hơn khi ngày càng thấy quê nội không còn giống như trước nữa. Đường làng đã bê tông hóa, xe máy phóng vèo vèo, trẻ con biết “chơi chat”, nhà ngói đã biến thành nhà xây, thím tôi đã thay bếp rơm bằng bếp ga… Và cây đa, cây đa bình yên của tôi năm nào giờ phủ đầy bụi mỗi lần xe ô tô chạy ầm ầm qua con đê. Cỏ ở đê chẳng còn xanh nữa. Chẳng còn như cái đêm rằm hôm nào, mấy chị em nằm vắt chân chữ ngũ trên bờ đê, vừa ngắm trăng vừa hít hà hương sen cuối hạ từ ao đình. Lúc ấy sao mà thương, mà yêu quê!

Lẽ ra bây giờ phải mừng mới phải…

Saturday, November 29, 2008

Korea – Vietnam B-boy concert 2008


Lần đầu tiên trong đời kid ta được đi nghe – xem một đêm nhạc hip – hop! Vốn không nghiện món này nên có lẽ sẽ chẳng bao giờ thị chịu bò ra khỏi nhà để đi nghe thứ “âm nhạc của tuổi teen” nếu như không phải tưởng bở đó là một đêm giao lưu… ẩm thực Việt Hàn.
Chắc mẩm sẽ được ăn no các món ngon xứ kim chi nên hai chị em bụng đói cật rét hớn hở bò lên cung Việt Xô. Đến nơi mới biết mình nhầm - thấy toàn teen và tween ăn mặc như nhân vật trong game Audition. Định bò về rồi nhưng lại thấy một cụ bà 85 tuổi (chính xác là 85 tuổi đấy nhé!) cứ khăng khăng đòi vào. Ờ, cụ còn máu thế huống chi là mình! Quyết định dấn thân, tèn ten.
Mở mà là Big Toe Crew – nhảy tàm tạm, không ấn tượng và đặc sắc hơn những gì kid ta biết lơ mơ về breakdance. Tới Kim, cô bé chơi liền tù tì 4 bài không nghỉ, vừa hát vừa nhảy. Ban đầu kid trộm nghĩ cô nàng hát nhép, hi hi, nhưng tới bài cuối thì giọng đuối thấy rõ, có lẽ là do nhảy mệt quá, tuy nhiên phong cách biểu diễn tự tin thì rất đáng vỗ tay. Kim có lẽ là nữ ca sĩ có chất giọng và phong cách tốt hơn hẳn đa số ca sĩ trẻ cùng tuổi hiện nay.

Kim

Maximum Crew bước ra sân khấu trong tiếng hò hét vang trời của các teen Hàn đang sống ở Hà Nội. Đẳng cấp của một Bboy hàng đầu không chỉ thể hiện qua những bước nhảy nhuần nhuyễn mà còn ở cách kết hợp khéo léo âm nhạc với những yếu tố văn hóa Hàn, đặc biệt trong màn trình diễn với những chiếc ô. Maximum cũng thể hiện khả năng giao lưu rất tốt với khán giả dù bất đồng ngôn ngữ.

Tuy nhiên, trong phần giới thiệu, họ gặp một sự cố nho nhỏ với fan-hâm-mộ-quá-khích-85-tuổi đã nhắc tới bên trên. Suốt từ đầu đêm diễn, fan-quá-khích này đã đứng lên vỗ tay cuồng nhiệt theo điệu nhạc và tới khi Maximum trình diễn thì fan này cao hứng chạy thẳng lên sân khấu, bắt tay và… ôm hôn từng boy trong Maximum crew. Trời ơi, mấy chàng trong nhóm cứ đứng trố mắt ra không hiểu gì hết. Fan-cụ-bà lại còn cao hứng tới mức 2 lần giằng lấy mic trong tay một boy và hét to “Việt Nam – Hàn Quốc muôn năm”!!! Kết quả là mấy anh bảo vệ và ban tổ chức phải lon ton chạy lên “áp tải” cụ bà xuống và từ đó không dám rời mắt ra khỏi cụ nữa!

Maximum crew
Maximum crew với những chiếc ô truyền thống

Rapper Onesun trình diễn những bản nhạc được phối rất hay từ nhạc truyền thống Hàn Quốc và âm điệu Hip hop. Mặc dù không hiểu tiếng Hàn song rất nhiều teen Việt ngồi ngay sau kid đã thốt lên “Hay thế!”. Còn các teen Hàn thì khỏi nói, hò hét váng trời làm kid cũng… máu lây. Muốn hò hét ăn theo nhưng chị “phang” ngay cho một câu “Hâm à?” – Tụt cả hứng! Mới thấy cách nghe – xem nhạc của nước mình vẫn chưa ổn, ở chỗ chúng ta thiếu một ý thức thật sự về văn hóa hip hop. Nếu như không thích xem, chúng ta có thể ngồi nhà; còn nếu đã đến, phải sống trong không khí thực sự của đêm diễn và hòa mình cùng âm nhạc. Xem hip hop mà rất nhiều bạn trẻ cứ ngồi… chống cằm, vuốt tóc, ngáp ngủ và… nhắn tin trên điện thoại di động. Cá nhân mình tự thấy xấu hổ vì đã không thể hồn nhiên và hết mình như những gì teen Hàn đã làm. Không hẳn vì lí do bất đồng ngôn ngữ mà fan Việt thiếu cuồng nhiệt, các rappers nói rất nhiều tiếng Anh và khi Onesun hét “Everybody, stand up” thì chỉ có vài cô bé Hàn đứng lên, một số teen Việt dã dợm đứng lên song ngay lập tức ngồi thụp xuống!

Onesun2
Các fan nhí cuồng nhiệt xứ Hàn

Kết thúc có hậu: màn chót với sự tham gia của tất cả các nghệ sỹ và “diễn viên quần chúng” được cổ vũ nhiệt liệt, đến mức nhạc tắt rồi mà cả khán giả và ca sĩ đều yêu cầu “thêm 1 lần nữa”. Riêng kid sung sướng vô bờ vì đã “phải lòng” một boy đẹp giai trong Maximum crew, he he, và chộp được bao nhiêu ảnh có nụ cười đẹp mê hồn của hắn!!!

Onesun

P/s: Ai biết tiếng Hàn làm ơn kiếm giùm tớ thông tin về hắn với nhé! Cảm ơn nhìu nhìu!

Thursday, October 09, 2008

Một bài thơ tự nó đã là đủ


Em ơi! Hà Nội – phố!
1.
Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa.
Tiếng giày gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về ...

2.
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai ?
Tóc cắt ngang xõa xõa bờ vai…

Ta còn em một ngã ba vội vã,
Chiếc khăn quàng tím đỏ thoáng qua,
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ…
Mỗi góc phố một trang tình sử…

3.
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn mưa nhỏ.
Trên vòm cao
Đổ xuống chuông hồi.
Nhà thờ Cửa Bắc
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga…

4.
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà.
Gã Trương Chi ôm ghita
Từng đêm
Hóa đá…

Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu
Một người nào lạc giữa sân ga...

5.
Em ơi ! Hà Nội – phố !
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa
Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...

Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ.
Thằng bé thẫn thờ.
Tuổi thơ qua cuộc chơi,
Vội vã...

Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai ?
Qua đó bâng khuâng,
Nhớ tuổi học trò...

6.
Ta còn em giàn thiên lý,
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành...

Ta còn em chuỗi cười vừa dứt.
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ...

Ta còn em tiếng ghita
Bập bùng tự sự
Đêm kinh kỳ một thuở
Xanh lơ...

7.
Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua,
Đếm thời gian
Theo nhịp đong đưa
Trước ngõ phố
Sót cây hoa gạo.
Buổi chợ chiều họp giữa kinh đô...

8.
Ta còn em những ngọn đèn mờ.
Trên nóc phố,
Mùa trăng không tỏ.
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...

Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ.
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate Ánh Trăng
Nốt nhạc thiên tài bay lả tả,
Một kiếp người,
Một phím đàn long…

9.
Ta còn em khuya phố,
Mênh mông,
Vùng sáng nhỏ.
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.
Rượu làng Vân lung linh men ngọt.
Mắt cô nàng lúng liếng,
Đong đưa,
Những chàng trai say suốt cả mùa…

10.
Ta còn em tiếng hàng ngày
Vang âm đường phố.
Tia hồ quang chớp xanh.
Toa xe điện cuối ngày,
Người soát vé
Áo bành tô cũ nát…

Lanh canh ! Lanh canh !
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ ?
Bó gạo, mớ rau
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh ! Lanh canh !
Lá bánh, củ khoai.
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày…

11.
Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em con đê lộng gió.
Dòng sông chảy mang theo hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già,
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…

Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông.
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ.
Dãy phố buồn..
Nghìn năm mắt nhớ...

12.
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm,
Dôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá.
Gã đầu trần đi ngược trời mưa...

Ta còn em con đường tên cũ
Cổ Ngư,
Cành phượng vĩ là đà.
Chiều phai nắng,
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...

Ta còn em chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió.
Lao xao con sóng biếc
Gió Tây Hồ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ ?
Những bước chân tìm nhau vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...

13.
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai…

14.
Ta còn em cơn mưa rào
Đi nhanh qua phố.
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái băng qua đường
Chợt hồng đôi má.
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn,
Trời Hà Nội hôm qua...

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ.
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu...

15.
Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em một Hàng Đào,
Không bán đào.
Một Hàng Bạc,
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...
Ta còn em tiếng gọi trong đêm,
Người đi xa trở về.
Căn nhà không biển số.
Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ.
Ngày về phố cũ quên tên...

16.
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ,
Điệp vàng rực rỡ.
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa.
Những gót son dập dìu đại lộ.
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào...

Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa... ?

17.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi.
Cuộc đời, có lẽ nào,
Là một thoáng
Bâng quơ...

Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ.
Những nỗi đau gặm mòn phận số.
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ...

18.
Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã.
Ngựa, xe, võng, lọng,
Những hình nhân nuối tiếc vàng son.
Khi phố phường là miền loạn gió
Làm sao tìm được mớ tro than... ?

19.
Ta còn em nóc phố lô xô,
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa.
Con đường đá lát bao niên kỷ ?
Qua sông nhớ mẹ tuổi già...

20.
Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ.
Một thời thịnh,
Một thời suy,
Hưng vong lẽ thường.
Người qua đó,
Hững hờ bài học sử..

Ta còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ.
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa.
Ly rượu đầy xin rót cúng cha.
Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ.
Bến nước nào đã neo thuyền ngự ?
Đám mây ào in bóng rồng bay ?...

21.
Ta còn em tháng chạp,
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng chạp
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng chạp,
Mùi hương dài theo phố.
Một tháng chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hóa vàng…

22.
Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em năm cửa ô –
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đó –
Ba mươi sáu phố,
Bao nhiêu mảnh vỡ ?

Ta còn em một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhòe,
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh một dáng,
Một hình,
Nhợt nhạt vàng son,
Đậm đầy cay đắng…

23.
Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ,
Ô cửa ngẩn ngơ
Ngôi nhà không người ở
Khung trời của nỗi buồn
Vô cớ…

Người nghệ sĩ lang thang
Hoài,
Trên phố.
Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường.
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha…

24.
Ta còn em những giọt sương,
Nhòe nhòe bóng điện.
Mặt nước Hồ Gươm,
Một đêm trở lạnh.
Tháp Rùa ngả bóng lung linh.
Cánh nhạn chao nghiêng chiều cuối
Người ra đi mang theo buốt giá,
Áo choàng không ấm thân gầy,
Cầm bằng như cánh chim bay…

25.
Em ơi ! Hà Nội – phố !
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông…
(Phan Vũ - 12/1972)

Sunday, October 05, 2008

Nhớ vỉa hè Hà Nội


Tôi vẫn ở đây thôi, giữa lòng Hà Nội, nhưng nếu phải tạm xa, chắc tôi sẽ rất nhớ những vỉa hè ấy. Đó là những quán nhỏ trên đường phố, nơi tôi thoải mái cùng bạn bè ăn uống và buôn bán dăm ba chuyện tầm phào. Thế rồi lưu truyền nhau, quán này ngon, quán kia dở, dần dần vô thức hình thành trong đầu một tấm bản đồ khác về Hà Nội - bản đồ tên quán thay cho những tên phố, tên đường.

Mùa thu Hà Nội sẽ kém thi vị hơn rất nhiều nếu không có hơi nóng nghi ngút toả ra trên những hàng quán ven hè phố. Có khi nhớ làn khói từ cốc trà nóng đượm hương nhài trong tay, có khi lại thèm mùi thơm sực nức quế hồi của một gánh phở. Bọn con gái thì hay xúm xít quanh những hàng quà vặt như nem rán, bánh chiên, đồ nướng…

Mới đây, chị lại dẫn tôi mon men mấy quán vỉa hè trên Hàng Cá và Đào Duy Từ. Những ai thích ăn mấy món lặt vặt như bún, miến, chân gà luộc, tiết tần, bánh khoai lang thì không nên bỏ qua địa chỉ 38 Hàng Cá. Chân gà ở đây rất bé và non, ăn mềm và ngọt đừ. Món khoai lang rán thì hình như ai vào quán cũng phải gọi một đĩa nên thường “hết hàng” từ rất sớm.

food

Trái với menu thập cẩm của các quán uống vỉa hè, quán 31 Đào Duy Từ chỉ “tủ” mấy món đặc sản là trà chanh và 4 món chè: chè khoai, ngô, chuối và trân châu sữa. Trà chanh ở đây thực chất là trà mạn ướp hương nhài, thêm chút đường và lát chanh cùng vài viên đá. Nếu gọi đó là trà đá cũng không sai, chỉ có điều, trà đá này không chỉ mát mà còn rất thơm. Riêng mấy món chè, tôi chỉ mới thử món chè khoai và “nghiện” luôn, không còn bụng dạ đâu mà dành cho những món chè khác. Vị chè ngon, giữ được cái ngọt bùi của khoai môn, hương thơm của hạt sen quyện trong vị nồng của sắn dây nóng và cái béo ngậy của sữa dừa. Ngoài quán này, tôi chưa thấy ở đâu có món chè khoai đẹp và ngon như thế.


drink

Buổi tối lạnh lạnh, lang thang với bạn và nhâm nhi món ngon vỉa hè, đó chẳng phải là một điều đáng nhớ sao?!

Saturday, October 04, 2008

Đẹp fashion show 7 - Chuyển động và... ngáp


Chủ đề Chuyển động cùng phong cách (Moving in style) của Đẹp Fashion Show 7 (DFS) năm nay quá hấp dẫn đến nỗi tớ quyết định gạt bỏ ấn tượng dở về DFS 5 để “dấn thân” vào buổi trình diễn lần này. Tuy nhiên, như tên của entry này đã cho thấy, chương trình vừa nhạt vừa kém, xem đến nửa buổi là bạn có thể… ngủ ngon lành được rồi!

Mở đầu: Trước hết là vài cảm nhận tạp nham: Lê Bros luôn làm tốt vai trò của họ trong việc chuẩn bị những thứ râu ria của buổi biểu diễn ví như vé mời, phông bạt, tiệc cocktail, sắp đặt sân khấu, bảo vệ… (phải tội vé hơi bị hiếm hoi, đánh cướp nhau mới có được, tớ cầm vé đứng chờ gửi xe còn được phe vé gạ mua lại).

Bước vào, đầu tiên bạn sẽ thấy thích thú vì cũng thảm đỏ, cũng cocktail, cũng chụp ảnh như những ngôi sao trong giải Oscar vậy (tất nhiên là cái thảm xấu xí hơn một chút). Rồi tới khi đi qua 2 lần soát vé, bạn sẽ thấy lạ lẫm với cảnh một sân ga “nửa Tây nửa ta” với những cột điện đỏm dáng kiểu châu Âu mọc ngay giữa sân ga Hàng Cỏ, vài liền anh liền chị trong trang phục Hà Nội xưa dập dìu qua lại đợi đến đúng 8g tối để còn… kết thúc vai diễn và chuồn. Ác thay, các VIP đến muộn (chắc là thế) nên các anh chị và khán giả ngồi ngáp tới 8g25’ mới thấy “chống triêng” nổi lên. Ấy vậy mà vé mời ghi rõ là tớ đừng có hòng mà tới muộn sau 7g30’ cơ đấy! Đúng là Việt Nam, vé tàu tốc hành nhưng vẫn trễ giờ như… tàu chợ!

Ý tưởng: năm nay chủ đề rất hay và ý tưởng thể hiện chuyển động với một chuyến tàu tốc hành qua các nền văn hoá cũng rất sáng tạo. Tuy nhiên, cả kịch bản lẫn khâu dàn dựng và trình diễn đều làm phá sản ý tưởng này. DFS7 không khai thác được hết cái hay của kịch bản mà là sự ghép nối rời rạc của các phần với nhau.

Bốn bộ sưu tập lần lượt được trình diễn theo chủ đề: ga Hàng Cỏ, ga Montparnasse (Pháp), Tokyo và Milan. Theo ngu ý của tớ thì 4 phần này giống như 4 miếng bánh pizza khác nhau đặt chung trên một đĩa vậy.

Âm nhạc: cá nhân tớ không thể hiểu nổi tại sao phần âm nhạc do một tên tuổi lớn như Quốc Trung phụ trách lại có thể tệ đến thế. Đoạn đầu nghe cũng ổn nhưng tới phần 3 và 4 thì ặc ặc… các bạn cứ tha hồ mà tưởng tượng! Nhân vật ngồi cạnh tớ có cảm nhận rất tinh tế rằng đó là “siêu sao nhạc hiếu hát rock”!

Nghệ thuật thị giác: tớ phải nhấn mạnh từ này đến 1000 lần thay vì một từ “thường” như hình ảnh + ánh sáng. Bởi lẽ cái gọi là nghệ thuật thị giác trong DFS7 rất gần với… video clip minh hoạ cho karaoke 4 số, thậm chí còn không bằng vì dù sao karaoke vẫn còn các em người mẫu uốn éo qua lại cho đỡ chán mắt. Vài hình ảnh rời rạc, chắp vá, nhặt nhạnh ở đâu đó và tua đi tua lại suốt buổi trình diễn khiến cho chất lượng “nghệ thuật thị giác” xuống cấp trầm trọng. Màn hình chính gần như… bất động vì lặp lại quá nhiều, các màn hình phụ bao trùm một màu sắc… nhờ nhờ, chẳng có tí gì gọi là chuyển động hay chất điện ảnh. Ấy, nhưng khi tớ biết tên tác giả của màn nghệ thuật này, tớ đổi ý ngay, tớ thấy xem cũng được, mặc dù tớ có ngủ nhưng vẫn là được – đơn giản, bạn ý nổi tiếng lắm, tớ không dám chê.

Người mẫu nhá, phần hot nhất đây: người mẫu xấu tệ hại! Có thể do trang điểm, hiệu ứng ánh sáng… khiến nhan sắc các chân dài giảm sút rõ rệt. Điều tớ băn khoăn nhất là gần như tất cả các người mẫu đều đi cùng một dáng là ưỡn người ra phía trước, hai tay chống lưng, rất giống… bà bầu. Một vài người mẫu thì cực kỳ… slim fit, trước sau như một, hay đó là vẻ đẹp hậu hiện đại nhỉ?

Một lỗi cơ bản của chương trình đó là sắp xếp bục khán giả không đủ độ cao cần thiết để nhìn thấy sân khấu phía dưới, hoặc ngược lại, sân khấu quá thấp để khán giả có thể nhìn thấy người mẫu bên trên. Kết quả là khi người mẫu lên “sàn”, tớ chỉ thấy khuôn mặt các người đẹp và phần thân trên của họ bay lượn như chim mà không biết chân họ chạm đất như thế nào, nghĩa là nàng mặc váy hay mặc quần tớ cũng không biết!

Đến đây thì tớ ngáp ngủ mất rồi nên tớ xin xì tốp. Năm sau mà có vé, có lẽ tớ nên bán lại cho phe vé chăng?!

Chiêm ngưỡng các bộ sưu tập DFS7, click tại đây

P/S: Cái đáng xem nhất là 6 chiếc xe Piagio được trang trí ở ngoài sảnh!
Ảnh trên cùng: tác phẩm Trẻ trâu của hoạ sĩ Thành Chương (Nguồn: Depfashion.com)

Tuesday, September 23, 2008

Một chút Huế và một chút Đà Nẵng


Vì cái entry lê thê lần trước đã ngốn của mình kha khá thời gian nên entry lần này rất ngắn gọn với 3 tiếng còn lại ở Huế và một ngày ở Đà Nẵng. Mình muốn gói gọn trong 1 slide show nhưng bạn 360 đang cảm cúm hắt hơi nên không tài nào “show” được.

Những giờ ngắn ngủi ở Huế, sau Đại Nội, nhóm 5 chị em đã đi thăm nhà vườn An Hiên, lăng Tự Đức và chùa Thiên Mụ. Tại chùa này, mình đã tí tởn chụp với đám hoa sen cuối mùa (cũng là an ủi phần nào mong ước được chụp ảnh với hoa sen ở khu công viên nước Hồ Tây mà chưa thành).

5g chiều cả lũ cuống quýt chạy ra bến bắt xe về Đà Nẵng. Anh tài xế lái chiếc xế hộp ọp ẹp mà phóng như bay, vào cua vô cùng ẩu làm mình vừa tức vừa sợ nhưng mệt quá nên kệ, vẫn ngủ thiếp đi. Đến Đà Nẵng, rất may mắn là cả nhóm được một anh bạn đặt giúp phòng tại một khách sạn đẹp đẽ, rộng rãi, gần nơi ăn uống mà giá cả lại rất “hạt dẻ”.

Cả ngày hôm sau là cuộc chạy đua tiếp theo của nhóm với 3 chiếc xe máy gần hết xăng: vi vu bán đảo Sơn Trà, đi dọc bãi biển Mỹ Khê, qua Furama resort (dĩ nhiên là chỉ chụp ảnh thôi, he he), lên thăm Ngũ Hành Sơn (vô cùng nhiều chùa chiền, hang động) và mua các sản phẩm đá mỹ nghệ dưới chân núi. Chính vì cái vụ lê la mua sắm này mà mấy chị em về muộn, không kịp qua thăm bảo tàng Chàm (trừ 2 đồng chí em út).

Sau đó lại là 5g chiều, lại tiếp tục bắt xe về Hội An. Nhưng thôi, đó là một câu chuyện khác sẽ kể vào một entry khác!


Nhà vườn An Hiên

Hue

Lăng Tự Đức

Hue

Chùa Thiên Mụ

Hue

Sông Hương

Hue
Không phải làm duyên trước hoa sen đâu, làm duyên trước... sư thầy đấy! Có 1... anh sư đang ngồi học bài ở ngay trước hồ sen, hihi

Hue

Quần ngắn, áo ngắn và mũ bảo hiểm, vi vu bán đảo Sơn Trà dưới cái nắng chói chang
(ờ, thế mà tớ là người duy nhất không bị bắt nắng nhá!)


DaNang
Sơn Trà nhìn từ trên cao

DaNang
Bãi biển Mỹ Khê đẹp vô cùng


DaNang
Lối vào hang – động – chùa – tháp (mình chẳng biết gọi từ nào cho phù hợp vì nó là tổng thể các loại hình này) trên Ngũ Hành Sơn

DaNang

Bầu trời trong mắt

DaNang
Non nước Ngũ Hành Sơn

DaNang

Friday, September 19, 2008

Một lần chạy qua Đại Nội


Không có được cái may mắn của những du khách nhẩn nha, được nhìn ngắm Huế từ nhiều góc độ, chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 7 tiếng cho một di sản văn hoá lớn lao nhường ấy. Âu cũng là được biết Huế một lần.

Vừa tới nơi, chúng tôi “chạy” ngay tới Kinh thành như là mặc định: “không qua Đại Nội sao gọi là đến Huế”. Bắt đầu từ Ngọ Môn (ảnh trên), sau bức tường thành thâm nghiêm, Đại Nội mở ra trước mắt chúng tôi với cánh cổng trứ danh và điện Thái Hoà mà hình ảnh đã in vô số trên các bưu thiếp, sách vở về Huế.

Hue

Mặt hồ rải đầy lục bình xanh mướt và đàn cá vàng là một nét thu hút khách du lịch của kinh thành Huế.

Hue

Qua khỏi điện Thái Hoà, chúng tôi đâm rối trí. Hoàng thành Huế có rất nhiều điện, miếu, chúng tôi cứ đi qua hết điện này tới điện khác, trầm trồ hết lần này đến lần khác trước những di sản văn hoá còn lại mà... không biết hoặc không nhớ nổi tên của từng công trình. May sao, chúng tôi gặp một đoàn khách ít người có cô hướng dẫn viên nói giọng Huế ngọt lịm. Bóng dáng mảnh mai trong tà áo dài và chiếc nón trắng giữa trời nắng gắt cứ vương vấn trong tâm trí tôi như một nét gì đó rất riêng của Huế.

Hue

Sân điện còn lưu chiếc triện lớn - biểu tượng của quyền lực tối thượng.

Hue

Và vẫn còn đây hình ảnh về trang phục của các bậc vua chúa xưa kia

Hue

Thế nhưng, dù cho ông vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam mới thoái vị cách đây chưa đầy một thế kỷ thì thời gian đã kịp phủ rêu phong lên vàng son một thời:

Hue

Cung điện đành phó mặc mình cho những thanh cột chống đỡ với thời gian:

Hue

Có thể đoán được kinh thành Huế đã mất đi một phần giá trị to lớn như thế nào do thời gian, chiến tranh và vô vàn nguyên nhân khác. Rất nhiều công trình được mô tả là nguy nga lộng lẫy giờ chỉ còn giữ được nền móng xưa, không hơn.

Hue

Thậm chí chỉ là những viên gạch lát nền còn sót lại:

Hue

Nỗ lực của các nhà khoa học và bất cứ ai đóng góp vào công cuộc trùng tu các di tích Hoàng thành và Tử cấm thành.

Hue

Tuy nhiên, đôi khi việc khôi phục những giá trị truyền thống lại dẫn đến những điều bất hợp lý, ví như màu vàng chói của cặp long phụng dưới đây bên nền điện rêu phong:

Hue

Hoặc những màu sắc nửa rực rỡ nửa “nham nhở” như trên cánh cổng này, liệu rằng nó có mang lại ấn tượng về một kinh thành Huế cổ kính và trầm mặc?

Hue

Thà cứ như chiếc ghế cũ trong ảnh dưới đây - han gỉ vì dầu dãi nắng sương - lại khiến chúng tôi xúc động vì cảm thấy chút gì đó chân thực và xót xa của quá khứ:

Hue

Nói vậy không phải là phủ nhận công sức của các nhà trùng tu, dù sao, bỏ qua những cái gợn, họ đã và đang thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ với chi phí khổng lồ. Nhờ đó, chúng ta còn thấy lại chút ít hào quang của mười mấy đời vua trong kiến trúc và đồ vật của Thế Miếu, Hưng Miếu, cung Diên Thọ, Hiển Lâm Các...
(Những cánh cửa sơn son thếp vàng trong Thế Miếu)

Hue

(Nắng trưa tỏa bóng bên hàng hiên của Hưng Miếu)

Hue

...Và cả những giá trị văn hoá phi vật thể không gì đong đếm được...
Trong ảnh là hình ảnh tái hiện trò Xăm hường, một trò chơi tao nhã thể hiện tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người chơi.

Hue

Đứng trên Ngọ Môn một buổi trưa tháng 9, làn gió từ nước, từ trời xứ Huế thổi vào mát rượi, xua tan cái mệt mỏi trong bước chân đã lòng vòng qua các miếu điện. Chúng tôi ngồi dựa vào tường (thực ra là có tranh thủ nằm chút xíu nhưng bị anh bảo vệ thổi còi), cái nắng trưa và 8g ngồi xe ô tô đêm hôm trước khiến ai cũng lơ mơ buồn ngủ nhưng mắt chúng tôi vẫn còn kịp ghi lại hình ảnh Quốc kỳ tung bay giữa bầu trời xanh bất tận. Bỗng dưng lại nghĩ đến một từ: muôn thuở!

Hue

Huế đẹp - Huế thơ cần những tâm hồn sâu sắc và cũng cần có thời gian để thấu hiểu đất trời và con người xứ này. Điều đó dường như là quá sức đối với chúng tôi - những kẻ “nghèo” thời gian và tiền bạc, chạy lướt qua Huế trong những ngày nghỉ hiếm hoi ngắn ngủi, rồi đi. Đất và người xứ Huế vẫn thế, nhưng trong lòng những kẻ “nghèo” ấy đã giàu có thêm đôi chút từ khi trở về.