Sáng ngày hai, cả đoàn dậy sớm, cơm nắm xôi đùm hành quân lên thác Bản Giốc. Trước kia, tôi cũng từng nhìn thấy ảnh chụp thác này trên báo đài nhưng quả thực phải tận mắt ngắm mới thấy hết vẻ hùng vĩ của nó.
Toàn cảnh thác Bản Giốc nhìn từ trạm kiểm soát của nước mình (rất cao và rất xa).
Một nửa thác Bản Giốc thuộc về Trung Quốc
Những người mới hôm qua thôi còn chưa quen biết nhau…
Non xanh nước biếc
Trời và nước và cây chung một màu xanh
Nước buông xuống như một tấm rèm lụa
Thật may mắn vì chúng tôi đến thăm nơi này vào mùa đông, khi dòng nước đã vơi bớt để lộ ra nhiều tầng thác cao thấp khác nhau. Về mùa hè, toàn bộ khu vực thác sẽ là một biển nước tràn trề, xóa nhòa những ranh giới. Tự dưng thấy nó hao hao giống “Thuỷ Liêm động” trong Tây Du Ký:
Giữa ba tầng thác, một ngư ông vẫn điềm nhiên ngồi câu cá
Còn trên tầng thác thứ 2 là… ngư cô!
*
Trên đường đến Ngườm Ngao: sơn thủy hữu tình
"Những người trên đồng" :
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Ngườm Ngao và các hang động khác là nền động không bằng phẳng mà lại uốn lượn như ruộng bậc thang và được ví von là “ruộng tiên” (từ xưa tới nay mình đâu có thấy tiên làm ruộng bao giờ nhỉ?).
Vòm động Ngườm Ngao
“Suối vàng, suối bạc” trong động Ngườm Ngao. Suối vàng to hơn, suối bạc chỉ lấp lánh một dải nhỏ ở bên. He he, càng tốt, vàng đang lên giá.
Đài sen úp ngược - một trong bốn “kỳ quan” nổi tiếng nhất của động Ngườm Ngao, thường xuyên được lên trang nhất các cuốn Sổ tay hướng dẫn du lịch của Cao Bằng. Rất tiếc là máy ảnh của mình bắt sáng không tốt nên chỉ chụp “mờ ảo” được như vậy thôi.
Hết lên thác xuống… hang, cả đoàn quay về với thị xã Cao Bằng và may mắn tìm được một nhà trọ mới với những người chủ hết sức tốt bụng và nhiệt tình.
Đêm giao thừa lạnh tê tái. Tình cờ, hôm ấy lại là ngày sinh nhật của Phó đoàn, cả hội kéo nhau đi ăn đêm (có cháo nóng, khoai nướng và gì nữa nhỉ? nhiều quá, không nhớ nổi) rồi vào quán karaoke đón năm mới. Không còn phân biệt lạ - quen, không câu nệ chuyện tuổi tác, những người xa lạ quanh tôi phút chốc bỗng hóa thân thương và gần gũi, gương mặt nào cũng hồng hào, tưng bừng trong giai điệu bài hát “Happy New Year” – một hình ảnh mà có lẽ suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên được.
Ngày 3, chúng tôi đến thăm khu di tích Pác Bó. Không hiểu vì mùa đông không phải mùa du lịch hay bởi người ta đã lãng quên nơi này nên cả khu di tích rất đìu hiu, vắng vẻ; qua cổng kiểm soát cũng không có ai hỏi han!!!
Suối Lê Nin trong vắt và vô cùng nhiều cá. Cảm giác chỉ cần khua tay cũng có thể tóm được một chú. Nghe nói người dân ở đây chẳng bao giờ bắt cá ở suối này. Đàn cá thường lượn lờ ở ngay gần bờ kè để đợi du khách cho ăn… mì tôm sống.
Cho dù mọi sự đổi thay, suối vẫn xanh một màu xanh huyền thoại:
Nơi bác Hồ thường ngồi câu cá sau giờ làm việc.
Mình cũng phải bon chen ngồi câu… que ^^
Hang Pác Bó: Còn đâu chứng tích một thời?
“Cháu ngoan Bác Hồ”:
Không hiểu các cơ quan quản lý có “can thiệp” gì vào cái di tích nổi tiếng này không mà mình thấy lòng hang rất bé, phải nói là cực kỳ bé so với một cái hang thông thường. Chiều ngang của hang chỉ rộng y như trong ảnh vậy thôi. Trên vách hang có rất nhiều mảng xi măng thay vì vách đá tự nhiên và ngoài cửa thì có cả một cái máy trộn bê tông đã bị vứt xó!!!
“Đây suối Lê Nin, kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà”
Đáng buồn là ngoài con đường xây bằng đá và các tấm biển chỉ đường ra, không có dấu hiệu nào cho thấy nơi đây được quan tâm bảo vệ và đầu tư phát triển du lịch. Thậm chí, khu nhà của ban quản lý và khu trưng bày (thường thấy ở các điểm du lịch khác) cũng không có nốt. Cả đoàn cứ chắc mẩm là đến đây sẽ thuê hướng dẫn viên để biết thêm về di tích lịch sử này, thế nhưng chẳng có ai ngoài những người bán hàng trong dăm ba cái lán lèo tèo bên suối Lê Nin.
Điều đó khiến tôi cảm thấy bâng khuâng khi đứng trên mảnh đất một thời từng là “cái nôi cách mạng” này, nơi có thể nhìn thấy cả cột mốc VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI (Border belt) của Tổ quốc và vẫn còn như nghe thấy thấp thoáng đâu đây “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.
Trong lòng cứ vẩn vơ một nỗi buồn như thế…
Đi rồi, qua rồi, nhớ về Cao Bằng, chỉ muốn nói 1 câu thôi: Chúng tôi trẻ, chúng tôi đi và chúng tôi hạnh phúc biết bao!