Status
Sunday, December 27, 2009
“Giết con chim nhại” – Sách đáng đọc trong một đêm
Khi chị tặng nó cho tôi, chị nói: “Đây là cuốn sách mà bất cứ ai làm về giáo dục cũng cần đọc”. Nhưng giờ thì tôi không nghĩ thế, đó là cuốn sách mà bất cứ ai có lương tri cũng cần đọc. Nói theo ngôn ngữ giật tít bây giờ, cuốn sách đó có thể là “cú đánh thức tỉnh lương tri” của con người khi chứng kiến Scout - một cô bé mới tám tuổi và anh trai Jem (12 tuổi) đã nhận thức về cái xấu trong cuộc sống và vượt qua nó như thế nào. Không chỉ là chuyện của hai đứa trẻ, người lớn cũng cần đọc để biết mình có thể (một lúc nào đó) đã giết chết con chim nhại trong tâm hồn mình.
Truyện không có nhiều tình tiết, tất cả diễn ra chỉ để lý giải cho cái chi tiết hờ hững treo ở đầu sách: tại sao Jem bị gãy tay?. Bắt đầu từ một mùa hè khi hai Scout và Jem còn nhỏ, cùng với Dill - cậu nhóc mới quen, tò mò tìm hiểu về ngôi nhà bí ẩn với người hàng xóm không bao giờ lộ mặt; những trò chơi nghịch ngợm của các em dần dần khiến các em nhận ra nhiều điều, nhất là Scout, cô bé thông minh, bướng bỉnh và rất ghét bị mang tiếng giống con gái đã nhận thấy những rạn nứt trong niềm tin của các em khi những chuyện phi nhân xảy ra. Trái tim của Scout và Jem đã có lúc tưởng như tan vỡ vì cả xã hội chống lại bố Atticus mà các em vô cùng yêu quý và vì Scout nhận ra cô giáo em có thể căm ghét Hitler tột độ nhưng lại phỉ báng không thương tiếc một người da màu. Thế giới công bằng của cái Tốt trong trí óc thơ ngây của Jem và Scout bị lung lay. Jem bước vào thời kì khủng hoảng và đổ vỡ của tuổi mới lớn. Thế nhưng, bố Atticus trìu mến và nhiều người tốt khác đã ở bên cạnh Scout và Jem, giúp các em định hướng được cách nhìn nhận cuộc đời và con người. Cuối truyện, cô bé Scout tám tuổi tự nhận rằng “tôi cảm thấy mình rất già", “tôi nghĩ Jem và tôi sẽ lớn lên nhưng không còn nhiều điều gì cho chúng tôi học, có lẽ trừ môn đại số”. Có lẽ, bởi vì các em đã học đủ, điều quan trọng nhất là cách nhìn nhận con người.
Hình ảnh con chim nhại trong tác phẩm ban đầu có vẻ khó hiểu, nhưng rồi đã sáng tỏ với tư cách một biểu tượng cho trái tim nhiệt thành và tâm hồn trong sáng, nó “chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó”. Giết con chim nhại, chính là hủy hoại cái tốt trong chính mỗi con người và hủy hoại cả xã hội.
Để hiểu rõ hơn toàn bộ ý nghĩa sâu xa của cuốn tiểu thuyết đã đạt vô số giải thưởng danh giá này, bạn nên đọc phần lời bạt “Một thế giới nhân bản hơn cho trẻ em” của dịch giả Phạm Viêm Phương. Bởi xoay quanh câu chuyện về những đổi thay tâm lý của hai đứa trẻ, cuốn sách còn đề cập sâu sắc đến vấn đề phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ những năm 60 của thế kỷ trước, những thành kiến khác của con người vốn là cội rễ của thói đạo đức giả và bất công xã hội và cả vấn đề về phương pháp giáo dục không đếm xỉa gì đến cảm nghĩ của trẻ em. Tất cả những vấn đề ấy được thể hiện bằng một giọng văn sắc sảo, khúc chiết và giàu tính ẩn dụ, cùng những đoạn đối thoại rất “trí tuệ” giữa các nhân vật.
Nếu bạn “vượt qua” được 70 trang đầu có vẻ khô khan của truyện, chắc chắn bạn cũng sẽ dễ dàng bị cuốn hút mà đọc một mạch 400 trang còn lại như tôi.
Tuesday, November 10, 2009
Lolly books café
Phòng lớn
Wednesday, September 23, 2009
Thiền quán - Có nên trở lại?
“Thiền quán” – Cái tên mới nghe thôi đã thấy hấp dẫn đối với người trẻ. Thật lạ là trong nhịp sống hối hả thị thành với bao nhiêu trò giải trí ồn ào, người trẻ ngày càng tìm đến nhiều với những quán cà phê hay không gian trà yên tĩnh, thoảng chút gì đó “dân tộc” và cũ xưa. Có lẽ bởi thế nên quán không quảng bá rầm rộ nhưng vẫn có một lượng khách khá ổn mà đa phần là những người trẻ tuổi.
Bản thân Thiền quán cũng do những người trẻ lập nên và dường như ý vị tôn giáo có phần khá mờ nhạt tại đây. Ngày nay người ta hiểu “Thiền” đơn giản là một cách lắng lại tâm hồn, sống chậm và thư thái trong phút chốc. Điều này chi phối khá rõ rệt đến phong cách của quán, từ bài trí cho tới đồ uống và cách phục vụ. Chỉ có điều, ý tưởng hay chưa chắc đã được thể hiện tốt và một vài “cái gợn” của quán khiến tôi sẽ phải cân nhắc nếu muốn quay lại quán lần thứ hai.
Gợn 1: Quán Thiền hay là Quán nhạc Trịnh?
Chủ đề của quán thực sự không rõ ràng và tách bạch lắm giữa ý tưởng Thiền quán và việc sử dụng nhạc Trịnh làm nền nhạc chủ đạo. Theo bài giới thiệu trên Tạp chí Món ngon: “Nghe nhạc Trịnh và thưởng thức cà phê trong không gian yên tĩnh giờ cũng được coi là cái thú của nhiều người… “Thiền Quán” xuất hiện cũng từ nhu cầu đó.” Ngoài ra, vào các buổi tối thứ 7 cũng có biểu diễn nhạc Trịnh (mới đây có thêm chương trình biểu diễn guitar và sáo vào tối thứ 5 hàng tuần). Tuy nhiên, theo chủ quán (và cũng theo tên quán mà suy), Thiền và Thư pháp Thiền mới là linh hồn của quán, là cái được thể nghiệm và sẻ chia ở quán này. Cũng có thể, người ta tìm thấy trong nhạc Trịnh chút ý vị của Thiền, nhưng sự nhập nhằng giữa hai thứ khiến không có thứ nào nổi trội và bỗng dưng chủ đề Thiền trở thành “nửa mùa”. Tôi cũng băn khoăn không hiểu khách đến quán vì nhạc Trịnh hay vì những bức thư pháp mơ hồ treo khắp tường?! Bản thân tôi vẫn cho rằng, trước hết và trên hết, nhạc Trịnh là âm thanh của cuộc sống hiện tại, dù cho nó là chiêm nghiệm hay triết lý bằng âm nhạc thì vẫn ấm áp hơi thở cuộc sống và khao khát yêu đời, yêu người; còn Thiền – xa vời và mơ hồ lắm, nó đã thoát khỏi cuộc sống này rồi.
Gợn 2: Thư pháp Thiền là cái này ư?
Tôi không có may mắn được chứng kiến buổi ra mắt của Thiền quán đồng thời là buổi trình diễn thư pháp Thiền (Zen Calligraphy) của hai thành viên nhóm Thư pháp tiền vệ: Thiền Phong Phạm Văn Tuấn, Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương, nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông - đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế, tôi không “cảm” nổi những bức thư pháp viết bằng mực Tàu đen trên nền giấy trắng treo rất nhiều quanh quán. Tôi “săm soi” chúng bằng con mắt của một kẻ thường dân mù nghệ thuật và dù có cố công cách nào, cũng không nhìn ra chất “nghệ thuật” hay “triết lý” chứa đựng trong đó. Chúng giống như những vết mực tình cờ mà trẻ con bôi bẩn ra giấy, không hơn. Có thể các nghệ sĩ gia có con mắt nhìn xuyên thấu cái hữu hình để ra cái vô hình, chứ tôi (và tôi tin là đa phần khách đến quán đều giống mình) chỉ thấy chúng lạ, mà không đẹp, không hay. Thay vào đó, sự xuất hiện dày đặc của chúng trong quán khiến chúng trở nên buồn tẻ và nhàm chán.
Gợn 3: Nhà thì đẹp mà sao… ẩm quá?!
Công bằng mà nói, không gian của Thiền quán rất đẹp và ấm cúng với ngôi nhà 3 gian và hai nhà phụ, sân gạch, bể nước, khiến bạn có cảm giác như được “về quê” ngay giữa phố phường. Ánh sáng đèn vừa đủ, kiểu bàn trà nho nhỏ, nệm cói, xen lẫn với cả những chiếc ghế cao ngoài sân giúp bạn thoải mái lựa chọn vị trí phù hợp với mình. Tiếc là sự thoải mái ấy không thật “thoải mái” lắm vì nếu ngồi trong nhà, bạn khó có thể dựa lưng vào tường như nhiều quán khác vì… ẩm quá. Những mảng tường vôi cũ kỹ, bong tróc chắc hẳn được giữ nguyên trạng để tăng thêm vẻ cổ kính cho quán, nhưng khi hơi ẩm xông lên “ngào ngạt” thì tôi chẳng còn tĩnh tâm được chút nào nữa mà chỉ muốn đứng dậy ra về.
Gợn 4: Mc nói “nhảm”
Tôi đến quán đúng vào tối thứ 5, có biểu diễn sáo, guitar và người chơi guitar cũng kiêm luôn vai trò MC và ca sĩ. Chủ đề buổi nhạc hôm đó là Hà Nội. Anh chàng thổi sáo chơi rất hay còn guitar thì có phần kém hơn. Ban đầu, chúng tôi dành nhiều thiện cảm cho người chơi guitar vì nghe nói đó là một người khiếm thị (chúng tôi ngồi góc trong nhà nên không nhìn rõ mặt). Tuy nhiên, mỗi khi đến đoạn anh chàng làm MC thì thật là… Nghe chất giọng, đoán đó là một người nhiệt tình, yêu Hà Nội lắm lắm nhưng mà dẫn về Hà Nội thì thấy anh chàng “cho thuyền ra khơi tít tận xa, không thấy nẻo về”, thậm chí chẳng hiểu thế nào mà lời dẫn lạc tới tận… miền Tây Nam Bộ và mũi Cà Mau. Cao hứng, anh chàng còn trích cả bài thơ “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy với lời bình tự tin: “Chúng ta đều biết bài thơ “Tre Xanh” của nhà thơ… Khương Duy”! Túm lại là mỗi lần chàng nói là một tràng ý tứ lủng củng, lộn xộn, không ăn nhập gì với nhau tuôn trào, còn tôi thì dám cá rằng ít nhất 50% số người nghe đang nghĩ thầm: “Thà đừng dẫn còn hơn…”.
Ngoài ra, còn một cái gợn nho nhỏ là giá đồ uống ở đây không rẻ mà lại không ngon lắm. Trà uống nước đầu còn tạm, tới nước hai nhạt hoét. Nhưng thôi, đòi hỏi quá nhiều cho một quán cà phê thì những quán khác… ế mất. Nếu tạm bằng lòng đến quán vào ban ngày – mùa hè, có lẽ sẽ tránh được hơi ẩm, chàng MC ham nói và chấp nhận được vị trà nhạt như… trà đá. Biết đâu đấy, khi tôi đã “ngộ” được một triết lý Thiền nào đó, tôi sẽ quay trở lại?!
Saturday, September 05, 2009
3 cuốn truyện dành cho người chưa lớn
1. “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của Luis Sepúlveda
Thoạt tiên, cuốn này được chọn vì nó được ca ngợi ác quá, ai ai cũng bảo mình “hay lắm, đọc đi, đọc ngay đi”, và ngẫu nhiên trong một lần ngủ-trưa-nhưng-chưa-buồn-ngủ, sẵn thấy cuốn sách trên bàn, mình với tay đọc luôn. Đọc xong chỉ nghĩ được mỗi một điều: Sau này có con, nhất định mình phải cho nó đọc “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”.
Bởi vì đó là một câu chuyện trong sáng và cảm động hết mực, nói như mấy bài quảng cáo sách là “thấm đẫm tính nhân văn và giáo dục sâu sắc” mà không hề khô khan, triết lý. Thông qua những nhân vật đáng yêu như mèo đen ú Zobra, mèo Đại tá, mèo Giáo sư, mèo Bốn Biển, Hải âu, Đười ơi…, trẻ em sẽ nhận ra những bài học quan trọng trong cuộc sống như tình thương, tôn trọng sự khác biệt, khát vọng vươn lên, ý chí tự lực, giữ lời hứa và cả vấn đề… bảo vệ môi trường.
Và điều quan trọng nhất mà cuốn sách sẽ dạy cho trẻ nhỏ đó là tôn trọng sự khác biệt và yêu thương ai đó khác mình. Như mèo ú Zobra đã nói với Hải âu: “Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn...”. Điều đó, chính chúng ta – con người – đôi khi vẫn chưa làm được!
2. “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của Henryk Sienkiewicz
Có lẽ không cần giới thiệu nhiều vì tác phẩm này quá nổi tiếng với đông đảo người Việt Nam. Rất nhiều người đã say mê cuốn truyện từ thời học cấp II và lúc nào cũng coi đó là “một vé đi tuổi thơ”. Tiếc là cái thời ấu thơ mình chưa có dịp xài tấm vé này nên bây giờ phải quay ngược thời gian, tuy nhiên, cảm xúc mà truyện mang lại thì vẫn dào dạt trong tim mình, không khác gì một cô bé 15 tuổi.
Truyện kể về một cậu bé Ba Lan 14 tuổi tên là Xtas Tarcốpxki và cô bé người Anh 8 tuổi Nen Rôlixơn cùng hai người bạn nhỏ châu Phi là Cali và Mêa đã “băng qua gần khắp miền Đông Phi trong cuộc hành trình đầy gian lao, chịu đựng cái nắng bỏng rát của mặt trời xích đạo, những cơn bão cát điên cuồng trên sa mạc, thao thức những đêm trường khủng khiếp trong vòng vây thú dữ, gió mưa bệnh tật, khát cháy cổ giữa rừng thẳm không vết chân người”. Giữa khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt ấy, trong một thời kỳ lịch sử biến động dữ dội của Sudan, các nhân vật nhỏ tuổi đã dần dà học được cách tồn tại, chống chịu và vượt qua không biết bao nhiêu hiểm nguy suốt cuộc hành trình. Gấp sách lại, ta vẫn còn bừng bừng cảm giác ngưỡng mộ vị anh hùng thiếu niên Xtas, yêu mến cô bé Nen và bật cười trước những lời nói ngây thơ chân tình của Cali. Và có thể, bạn cũng sẽ mất ngủ mấy đêm để cố hình dung những vòm ánh sáng kỳ ảo trên sa mạc, tiếng sư thử gào thét giữa rừng già hay những cảnh săn linh dương trên đồng cỏ khô…
Hai trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất của việc đọc sách, đó là được thỏa trí tưởng tượng và hướng tới cái Đẹp. Xét về những mặt này, cuốn sách thực sự rất đủ đầy. Dễ hiểu vì sao câu chuyện đẹp như một thiên anh hùng ca nhuốm màu cổ tích về sự dũng cảm, ý chí, nghị lực con người cũng như những tình cảm trìu mến, trong sáng của trẻ thơ này lại được nhiều người nhớ và yêu đến thế.
3. “Oxford thương yêu” của Dương Thụy
Sau hai cuốn sách dành cho thiếu nhi nêu trên, “Oxford thương yêu” có phần “lạc điệu” vì nó dành cho lứa tuổi “già” hơn teen một chút. Cuốn này nghe đâu cũng rình rang lâu rồi, nhưng mình vốn dĩ toàn đọc sách khi nó đã “lỗi mốt” nên cảm xúc vẫn còn mới tinh.
Tóm lại thì truyện này cũng hao hao giống cổ tích dành cho tuổi hơi hơi lớn, nói về một cô gái người Việt giỏi giang, cá tính sang học tại Oxford, phải đương đầu với bao khó khăn và đã không thể vượt qua nếu không có sự xuất hiện của một “anh-thầy” nghiêm khắc, lạnh lùng; kết thúc có hậu là chàng và nàng đều học hành xuất sắc, kiếm được công việc ngon lành, yêu nhau thắm thiết, sau 4 năm thì làm đám cưới rồi về Việt Nam “cống hiến” và chờ đợi một baby sắp chào đời. Nói cách khác thì truyện này “sến một cục”!
Nhưng nếu ai đó có ý định đọc nó như một “món súp cho tâm hồn” thì cũng hay. Ở chỗ: truyện sẽ đưa bạn đi du lịch tâm tưởng đến nhiều thành phố châu Âu như Oxford, London, Birmingham, Lisbon, đặc biệt là những đoạn tả cảnh Oxford thì “mê ly con chim ri”; truyện cũng sẽ phác họa một vài chân dung người Việt, mỗi người một quan niệm, tính cách khác nhau nhưng đều rất Việt Nam như Kim, bố mẹ Kim, Thụy Vũ, Thúy Hà, Vivi Le…; bạn cũng có thể bay bổng với tình yêu lãng mạn của đôi nhân vật chính và cười lăn cười bò với những màn đấu khẩu của cặp này (rất hữu dụng nếu muốn ứng dụng trong khi cãi nhau với bồ)… Truyện rất phù hợp với những người trẻ đang nuôi “giấc mộng Oxford” (hay là Harvard, hay là đại loại thế), những người cần “giắt lưng” vài kinh nghiệm sống và cả niềm tin lãng mạn vào một ngày nào đó không xa, trên nước Anh…!
Friday, July 24, 2009
Hội An du ký ảnh*
Đến Hội An vào đúng đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2008, dù đói - mệt đến mấy cũng phải cố bò ra sông Hoài để... hóng. Có lẽ, hiếm khi con sông này được trang hoàng lộng lẫy đến thế.
Tuy nhiên, đêm sông Hoài ngày thường cũng không kém phần lung linh với ánh sáng lấp lánh từ các cửa hiệu san sát hai bên bờ sông.
Đèn lồng dường như đã trở thành một trong những nét đặc trưng nhất của đêm sông Hoài:
Mở cửa tới tận đêm khuya, những hiệu đèn lồng luôn thu hút du khách tới xem – mua :
Phong phú kiểu dáng và màu sắc :
Chùa Cầu - điểm du lịch nổi tiếng của Phố Hội cũng lung linh ánh đèn lồng:
Các món ăn dân dã ở Hội An không giống với Huế và khác hẳn với Nha Trang. Cùng một món nhưng cách nấu của người Hội An có vẻ dễ ăn và dễ... đi vào lòng người hơn. Tiêu biểu một vài món vặt vãnh để bạn lang thang buổi tối như cơm gà bà Buội, bánh bao, bánh vạc, hủ tiếu, cao lầu, bánh đập, hến trộn, chè bắp...
Nếu có thời gian, bạn hãy dành trọn một ngày cho Cù lao Chàm.
Mặc dù chỉ cách bãi biển Cửa Đại khoảng 15 km nhưng hành trình ra đảo thật « gian nan ». Đầu tiên, chúng tôi đi tàu chợ, ngồi chen chúc với gà, vịt, ngan, ngỗng, rau củ quả...
Sau đó, chủ tàu bị trạm kiểm soát phạt vì chở quá tải, hành khách phải lục tục chuyển sang tàu du lịch - đẹp hơn, rộng hơn nhưng cũng... buồn ngủ hơn. Được cái, nhà tàu luôn sẵn chiếu cho du khách ngả lưng chợp mắt.
Mở mắt ra đã thấy một dải cù lao xanh rượi trải dài trên mặt biển, lả lướt những bóng dừa. Nắng vừa đủ vàng, gió vừa đủ mạnh, nước thì trong vắt, hải sản tươi ngon, người dân thân thiện - quả là một địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi, tắm biển và khám phá các trò chơi thể thao biển như lướt ván, dù bay, chèo thuyền kayak, thả diều, đua thuyền... Đoạn này háo hức chạy lên thăm đảo nên không có ảnh, xin mượn một ảnh trên web Quang Nam Business để minh họa nhé.
Sau bữa trưa ngon miệng với giá cả phải chăng, chúng tôi lên thuyền của một ngư dân ra đảo Yến và lặn biển xem san hô. Thú thực, nhìn cái gọi là « thuyền » mà tôi rùng cả mình. Chỉ là một chiếc thuyền nhỏ, mái là tấm vải căng lên che nắng, động cơ trông giống một quả bom tự chế, kêu to lộng cả óc và hệ thống « thoát nước » của thuyền là 100% bằng tay (múc từng gáo nước trong lòng thuyền đổ ra ngoài). Nhưng thôi, tặc lưỡi theo... anh lái thuyền. Mỗi lần sóng lao lên, chúng tôi lại được một phen hú vía. Lạy trời, tôi mới chỉ biết lội, chưa biết bơi!!!
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được đảo Yến, dù không được lên đảo (tài sản quốc gia mà) nhưng chỉ cần đứng từ xa ngắm bầy chim ríu rít trên những vách đá cheo leo cũng đủ mãn nhãn.
Anh « thuyền trưởng » vui tính kiêm hướng dẫn viên và hướng dẫn lặn của chúng tôi:
Ấn tượng nhất, vui nhất và đáng nhớ nhất khi đến Cù lao Chàm là tiết mục lặn biển ngắm san hô. Không biết bơi cũng cứ đeo kính, ngậm ống thở và lao xuống làn nước trong vắt vì đã có hướng dẫn viên... lôi đi. Vui và thú vị vô cùng khi được nhìn thấy san hô sống và muôn vàn loài cá hay ho!
Nghe nói, nơi đây có 135 loài san hô trong đó có 6 loài lần đầu tiên ghi nhận ở vùng biển VN, 500 thảm rong và cỏ biển, 202 loài cá, 4 loài tôm hùm và 84 loài nhuyễn thể (báo Tuổi trẻ). Cù lao Chàm cũng là một trong 15 khu bảo tồn biển quý giá của Việt Nam (tính đến năm 2007).
Ngoài ra, bạn còn có thể tham quan phòng trưng bày những sản phẩm gốm sứ cổ Chu Đậu trên con tàu đắm, chùa Hải Tạng gần 300 năm tuổi, thăm giếng cổ, Lăng Ông... Tiếc rằng 3 giờ chiều chúng tôi đã phải theo tàu quay về đất liền nên không có dịp khám phá trọn vẹn đất cù lao. Thôi thì hẹn lần sau...
Ngày thứ ba, chúng tôi quay lại với phố cổ…
Ban ngày, phố cổ Hội An giống như một khu tập thể nhiều ngõ ngách, bạn chỉ cần thuê một chiếc xe đạp rong ruổi vài vòng là đã thấy... quen quen. Nhưng đừng vì thế mà bỏ qua dịch vụ City tour ở đây, nếu không bạn sẽ không thể nào cảm và hiểu hết ý vị lịch sử trên từng con phố bạn đã qua. Chương trình cho phép bạn tự chọn 5 điểm tham quan có thuyết minh trong số các địa điểm như: Hội quán Phúc Kiến, Xưởng thủ công mỹ nghệ và biểu diễn nghệ thuật dân gian (số 9 Nguyyễn Thái Học), Nhà thờ tộc Trần (số 21 Lê Lợi), Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Văn hóa dân gian, Nhà cổ Phùng Hưng (số 4 Nguyễn Thị Minh Khai), Nhà cổ Quân Thắng (số 77 Trần Phú), Chùa Cầu, miếu Quan Công...
Điểm đến đầu tiên mà chúng tôi chọn là Hội quán Phúc Kiến - một địa danh hết sức nổi tiếng của Hội An với lối kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo và những vòng hương lớn trong treo những lời cầu nguyện của khách thập phương. Hết một tháng, hương tàn, lời cầu sẽ được « hóa vàng » để lại bắt đầu những vòng hương mới.
Bảo tàng Văn hóa Sa huỳnh cũng là một nơi rất đáng để bạn tham quan. Tại đây, bạn có thể nhìn ngắm tận mắt nhiều loại chum mộ cổ với hoa văn mộc mạc, hồn hậu. Đặc biệt, bạn sẽ thấy rất nhiều đồ trang sức : khuyên tai, vòng cổ, vòng tay... bằng đá, thủy tinh, ngọc mã não... của người xưa. Mới hay, phụ nữ thời đại nào cũng... điệu như nhau.
Khác với Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Văn hóa nghệ thuật dân gian hấp dẫn bạn bởi sự phong phú của hiện vật trưng bày: từ dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, cách bài trí nhà cổ đến các loại nhạc cụ, trang phục, điệu múa cổ xưa. Bản thân ngôi nhà cổ được trưng dụng làm Bảo tàng này cũng đã là một tác phẩm kiến trúc tuyệt vời. Ngoài ra, tôi rất ấn tượng với hình ảnh các sinh viên khảo cổ của Nhật Bản đang chăm chú làm việc để giúp phục dựng lại các cổ vật của chúng ta.
Những người bạn nước ngoài có thể chuyên chú để bảo tồn cổ vật Việt Nam đến thế, cớ sao nhiều người ở chính nước mình vẫn « vô tư » hủy hoại các di tích, công trình và thắng cảnh nước mình nhỉ ?!
Dường như, bất kỳ ngôi nhà cổ nào ở Hội An cũng là một địa điểm thú vị, đáng để bạn chiêm ngưỡng và trầm trồ thán phục. Nhưng nếu không có những hướng dẫn viên am hiểu và nhiệt tình, bạn sẽ không thể hiểu hết vì sao đô thị này lại xứng đáng là một niềm tự hào của Việt Nam. Chúng tôi thực sự cảm thấy mình may mắn khi gặp được một hướng dẫn viên tuyệt vời - một người Hội An đúng nghĩa. Nếu bạn có đi Hội An, hãy thử mua vé city tour và hỏi chú Trương Duy Trí - chắc chắn chú sẽ khiến bạn say mê nơi này với khiếu hài hước lôi cuốn và sự am hiểu sâu sắc về văn hóa địa phương.
Trong cảm nhận của tôi, Hội An sẽ là nơi « đi mãi không chán » bởi không chỉ vẻ đẹp tự nhiên mà cách người Hội An bảo tồn - giữ gìn các giá trị văn hóa cũng thật đặc biệt và đáng để những nơi khác « noi gương ».
(* Vừa đi, vừa viết, vừa chụp ảnh nên tạm gọi là “du ký ảnh”.
Bài viết có sử dụng một số ảnh của chị Đỗ Việt Hà và em Hương Xinh)
Thursday, May 14, 2009
Em làm cái quái gì ngày hôm nay?
Tới cửa, anh thấy một đống bừa bộn to hơn. Một chiếc đèn bị ngã lăn quay, và miếng thảm con con đã bị chúi vào cạnh tường. Ở phòng trước, chiếc tivi đang gào kênh hoạt hình, và phòng gia đình ngổn ngang đồ chơi và quần áo các loại. Ở trong bếp, bát đũa đầy bồn rửa, đồ ăn sáng vãi trên quầy bếp, thức ăn cho chó vãi trên sàn nhà, một tấm kính vỡ nằm dưới bàn, và một đụn cát trải cạnh cửa sau.
Anh chạy lên gác, bước qua đống đồ chơi và đống quần áo, tìm xem vợ anh đâu. Anh lo sợ chị bị ốm, hay có điều chi nghiêm trọng xảy ra. Anh thấy nằm phè trong phòng ngủ, vẫn còn cuộn tròn trên giường trong bộ đồ ngủ, và đang đọc một cuốn tiểu thuyết.
Chị nhìn anh, mỉm cười, và hỏi ngày hôm nay của anh thế nào. Anh trân trối nhìn chị và hỏi “Chuyện gì xảy ra hôm nay ở đây vậy?”
Chị lại mỉm cười và trả lời, “Anh biết đấy, mọi ngày khi anh đi làm về anh vẫn hỏi em, thế em làm cái quái gì ngày hôm nay?”
“Đúng rồi”, anh trả lời, không tin vào tai mình.
Chị trả lời, “Ừ, hôm nay em chẳng làm cái quái đó”.
- AUTHOR UNKNOWN -
Nguyễn Minh Hiển dịch
(Đăng lại từ blog Dotchuoinon.com - Ảnh: Saksinee blog)
Friday, May 08, 2009
“Đồng Mô resort”
Nửa đầu năm ngoái có lẽ là quãng thời gian tươi đẹp của đời mình. Đúng như thầy nói, honey moon đã biến thành “honey year” - Đi, đi và đi. Mọi thứ có vẻ đều đơn giản và thoải mái. Mặc dù mùa hè năm ngoái mình bị xì trét vì công việc nhưng dù sao vẫn còn vớt vát được chuyến đi mùa thu và vụ đi Lạng Sơn cuối năm.
Còn năm nay? Không có chuyến đi mùa xuân, không đi đâu vào mùa hè, và nếu mình “ngoan” thì mùa thu cũng sẽ không đi chơi nốt. Cái viễn cảnh ở nhà cả năm thật là thê thảm. Dịp lễ 30/4 mọi người đều đi chơi cả còn mình thì ở nhà hì hục cày cuốc mấy cái slide. Lúc đó bận quá không thấy buồn, giờ nghĩ lại, tự cho mình buồn một tí!!!
Hí hí, hết 5 phút rồi, giờ khoe ảnh đi Đồng Mô với công ty. Mang tiếng đi chơi nhưng chả biết sân golf ở đâu, cả đoàn lên khu nghỉ riêng của một “đại gia” ăn nhậu đã đời rồi lăn ra ngủ. Ước gì mình cũng có một không gian như thế?! hị hị
Monday, April 20, 2009
Tập làm sushi
Theo thông tin lượm lặt trên mạng, sushi chia làm 3 loại chính:
- Nigiri sushi (cá sống, nhân nói chung, bầy lên trên vuông cơm trắng)
- Maki sushi (loại có cuốn lá rong biển bên ngoài, cơm bên trong)
- Chirashi sushi (cơm trộn trong một bát, với lá rong biển thái nhỏ (loại giống để cuốn Maki sushi), trứng rán thái sợi, cá sống các loại, hay thứ khác tuỳ khẩu vị, xì dầu, đường, dấm, nước gừng...
- Ngoài ra còn Sashimi là món đặc trưng nhất, mà người ta quen xếp vào sushi nói chung vì đi ăn bao giờ cũng có món này (chỉ toàn cá sống, chấm xốt dì dầu, mù tạt cay).
- Handai: bát gỗ lớn dùng làm nơi trộn cơm sushi.
- Makisu: mành cuốn làm bằng tre, dùng để cuộn sushi.
- Shamoji: thìa gỗ.
- Dao, thớt...
- Nếu cầu kỳ, có thể mua bát đĩa, gác đũa dùng để ăn sushi, cốc chén, hũ đựng rượu sake …
- Gạo để nấu cơm sushi (nên mua gạo Nhật), là loại gạo cho cơm dẻo, có độ dính cao
- Xì dầu Nhật (shoshoyu)
- Đường, muối
- Dấm gạo Nhật (có thể dùng dấm gạo thông thường trộn với đường và muối rồi đun và khuấy đều cho đến khi tan hết, tỉ lệ tuỳ theo khẩu vị, có thể trộn 1 muỗng dấm với 2/3 muỗng đường và ½ thìa muối).
- Mù tạt Nhật (wasabi)
- Gừng dấm đỏ
- Củ cải dấm Nhật
- Lá nori (rong biển phơi khô)
- Nhân chủ yếu là cá sống: cá hồi, cá ngừ, lươn hun khói, tôm tươi, trứng cá…
- Quả bơ (avocado), Dưa chuột
- Trứng rán
1. Chuẩn bị cơm:
- Vo gạo nhiều lần đến khi nước hết đục, đổ nước cách mặt gạo chừng 1 đốt tay (ít hơn gạo thường một chút), ngâm gạo chừng 1 tiếng hãy nấu để cơm dẻo ngon.
- Cho vào nồi cơm điện nấu như cơm bình thường, khi cơm chín thì dùng thìa gỗ trộn đều rồi cho ra bát gỗ (âu to) quạt cho nguội bớt nhưng vẫn phải còn ấm, dẻo. Cơm nóng quá sẽ làm lá rong biển co lại.
- Tưới dấm gạo pha đường, muối lên trên rồi đảo đều, để nguội. (Tuy nhiên sushi bây giờ có xu hướng không trộn dấm, chỉ để cơm trắng và chấm xì dầu + mù tạt cay thôi)
- Cá thái mỏng, dưa chuột bỏ ruột thái dọc. Quả bơ bỏ vỏ và hột, thái miếng giống dưa chuột.
- Đặt lá nori lên trên mành tre, lấy thìa gỗ phết một lớp cơm mỏng đều lên 1 nửa lá nori, chừa lại mép bên kia khoảng 0,5 cm để tránh cơm bị thừa ra ngoài sau khi cuốn. Hơi nén thìa cho cơm dính vào lá và không bị dầy quá.
- Đặt các thứ nhân vào giữa theo chiều dọc và cầm một tay vào đầu mành, một tay phía bên kia mành đối diện, bắt đầu cuốn vòng đầu tiên, nhấc đầu mành ra và tiếp tục cuốn bằng cách lăn mành nhưng chỉ để lá rong cuộn, chứ không cuộn cả cái mành vào trong. Cuộn xong cắt thành nhiều khúc đều nhau.
- Nếu làm loại sushi cơm vắt: Lấy thìa, múc một nắm cơm cho vào tay (đeo bao tay plastic), nắm một nắm vừa miệng rồi đặt cá thu, cá hồi hoặc lươn hun khói lên trên. Nếu muốn có thể dùng lá nori cuộn một vòng nhỏ ở giữa để trang điểm và cho có vị rong biển (không bắt buộc).
- Bày sushi ra đĩa, trang trí cho đẹp mắt.
- Pha nước chấm bằng xì dầu, cho thêm ít nước và đường, wasabi, gừng dấm đỏ.
- Đun rượu sake cho gần sôi rồi bỏ vào hũ.
Xem hướng dẫn làm sushi qua video tại đây.
Địa chỉ mua đồ dùng và gia vị làm món sushi tại Hà Nội
Siêu thị Minimart 66 Bà Triệu
Các siêu thị trong hệ thống Fivimart
Siêu thị Unimart (trước đây tên là Hà Nội SEIYU): số 8 Phạm Ngọc Thạch + 102 Thái Thịnh
Shop Enishi: 228 Nghi Tàm
Shop Akuruhi: 33 Quốc Tử Giám
Dan'shop: Trạm đăng kiểm Ngọc Khánh
Các tiệm ăn Nhật ở Hà Nội
Hikari Japanese restaurant
105A5 Giảng võ, Ba Đình, Hà Nội.
Tel: (04) 7263392
Nhà hàng Asahi Sushi
288 Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Nhà hàng Genji
B58 Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tel: (04) 2186955
Nhà hàng Nihon Bashi
114 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Tel: 04. 8 352 643
Nhà hàng Totoya
637 Kim Mã, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: (04) 8347844
Nhà hàng cá hồi Salmon
72 Triệu Việt Vương
Chúc cả nhà ngon miệng, măm măm ực ực!
Total Pageviews
Danh mục
Nhắn nhủ - Rủ rê
Bài viết ngẫu nhiên
-
(Đang viết những bài nghiêm túc nhưng hôm nay sẽ thư giãn bằng 1 bài về việc… ăn) Giờ đây, sushi không còn là món ăn lạ với nhiều người Việ...
-
Nằm trong một con phố tĩnh lặng và khá là khuất nẻo, có vẻ như Vô ưu trà quán – 68E Trần Quang Diệu - đã tìm được một chốn đắc địa cho nhữn...
-
(Ảnh: www.hollywood-north.net) Một thế giới của thần thoại và viễn tưởng, thực và ảo, cuộc sống kiếp trước và kiếp này, và không chỉ là kiế...
-
Mình phải nói ngay rằng mình thiên vị quán này! Chứ sao! Chẳng thế mà cái quán không có gì nổi bật này lại khiến mình thấy rất dễ chịu, rất ...
-
Chẳng có gì là xa xỉ khi thi thoảng dành trọn một đêm cho một cuốn sách hay, nhưng có lẽ phải mấy năm rồi, kể từ khi tôi ra trường và chấm d...
-
Em mệt rồi không nói nổi lời yêu? Cứ giấu mãi điều gì sau mắt thẳm Mặc cho tôi với cuộc tình mê đắm Thề non cao rồi lại đến sông dài Em...
-
18+ không hẳn là độ tuổi, với mình đó là một qui ước để chỉ những gì dành cho những người trẻ đã thoát khỏi nỗi ám ảnh ôn thi đại học và vừa...
-
Những ngày vừa rồi bận quá, chẳng có thời gian mà viết lách. Nhà mới lại chưa lắp được mạng Internet thành ra có chạnh lòng hàng chục phút t...
-
Một không gian ấm cúng, tiếng sáo dìu dặt, ấm trà thơm được đặt chỉn chu trên khay tre, bên phong bánh đậu xanh ngọt ngào, Thiền quán (365 N...
-
Họ chia tay khi mùa hạ chưa về Chẳng đợi phượng về nhuộm màu cho kỉ niệm Chẳng đợi bằng lăng nhuộm hoàng hôn thành tím Lời yêu thươn...
Tôi là...
Kết nối
Bạn bè
Tìm kiếm
Điều khoản sử dụng
Xin chân thành cảm ơn!