Status

Be happy, my dear!

Monday, April 20, 2009

Tập làm sushi

(Đang viết những bài nghiêm túc nhưng hôm nay sẽ thư giãn bằng 1 bài về việc… ăn)


Giờ đây, sushi không còn là món ăn lạ với nhiều người Việt Nam, tuy nhiên, chỉ có một số ít người có thể thường xuyên thưởng thức món ăn “xa xỉ” và tinh tế này. Để cân bằng giữa túi tiền và sở thích, cách tốt nhất là… tập làm món sushi tại gia.

Theo thông tin lượm lặt trên mạng, sushi chia làm 3 loại chính:
- Nigiri sushi (cá sống, nhân nói chung, bầy lên trên vuông cơm trắng)
- Maki sushi (loại có cuốn lá rong biển bên ngoài, cơm bên trong)
- Chirashi sushi (cơm trộn trong một bát, với lá rong biển thái nhỏ (loại giống để cuốn Maki sushi), trứng rán thái sợi, cá sống các loại, hay thứ khác tuỳ khẩu vị, xì dầu, đường, dấm, nước gừng...
- Ngoài ra còn Sashimi là món đặc trưng nhất, mà người ta quen xếp vào sushi nói chung vì đi ăn bao giờ cũng có món này (chỉ toàn cá sống, chấm xốt dì dầu, mù tạt cay).


Dụng cụ:
- Handai: bát gỗ lớn dùng làm nơi trộn cơm sushi.
- Makisu: mành cuốn làm bằng tre, dùng để cuộn sushi.
- Shamoji: thìa gỗ.
- Dao, thớt...
- Nếu cầu kỳ, có thể mua bát đĩa, gác đũa dùng để ăn sushi, cốc chén, hũ đựng rượu sake …


Nguyên liệu:

- Gạo để nấu cơm sushi (nên mua gạo Nhật), là loại gạo cho cơm dẻo, có độ dính cao
- Xì dầu Nhật (shoshoyu)
- Đường, muối
- Dấm gạo Nhật (có thể dùng dấm gạo thông thường trộn với đường và muối rồi đun và khuấy đều cho đến khi tan hết, tỉ lệ tuỳ theo khẩu vị, có thể trộn 1 muỗng dấm với 2/3 muỗng đường và ½ thìa muối).
- Mù tạt Nhật (wasabi)
- Gừng dấm đỏ
- Củ cải dấm Nhật
- Lá nori (rong biển phơi khô)
- Nhân chủ yếu là cá sống: cá hồi, cá ngừ, lươn hun khói, tôm tươi, trứng cá…
- Quả bơ (avocado), Dưa chuột
- Trứng rán


Cách làm:
1. Chuẩn bị cơm:
- Vo gạo nhiều lần đến khi nước hết đục, đổ nước cách mặt gạo chừng 1 đốt tay (ít hơn gạo thường một chút), ngâm gạo chừng 1 tiếng hãy nấu để cơm dẻo ngon.
- Cho vào nồi cơm điện nấu như cơm bình thường, khi cơm chín thì dùng thìa gỗ trộn đều rồi cho ra bát gỗ (âu to) quạt cho nguội bớt nhưng vẫn phải còn ấm, dẻo. Cơm nóng quá sẽ làm lá rong biển co lại.
- Tưới dấm gạo pha đường, muối lên trên rồi đảo đều, để nguội. (Tuy nhiên sushi bây giờ có xu hướng không trộn dấm, chỉ để cơm trắng và chấm xì dầu + mù tạt cay thôi)


2. Cuốn sushi:
- Cá thái mỏng, dưa chuột bỏ ruột thái dọc. Quả bơ bỏ vỏ và hột, thái miếng giống dưa chuột.
- Đặt lá nori lên trên mành tre, lấy thìa gỗ phết một lớp cơm mỏng đều lên 1 nửa lá nori, chừa lại mép bên kia khoảng 0,5 cm để tránh cơm bị thừa ra ngoài sau khi cuốn. Hơi nén thìa cho cơm dính vào lá và không bị dầy quá.
- Đặt các thứ nhân vào giữa theo chiều dọc và cầm một tay vào đầu mành, một tay phía bên kia mành đối diện, bắt đầu cuốn vòng đầu tiên, nhấc đầu mành ra và tiếp tục cuốn bằng cách lăn mành nhưng chỉ để lá rong cuộn, chứ không cuộn cả cái mành vào trong. Cuộn xong cắt thành nhiều khúc đều nhau.
- Nếu làm loại sushi cơm vắt: Lấy thìa, múc một nắm cơm cho vào tay (đeo bao tay plastic), nắm một nắm vừa miệng rồi đặt cá thu, cá hồi hoặc lươn hun khói lên trên. Nếu muốn có thể dùng lá nori cuộn một vòng nhỏ ở giữa để trang điểm và cho có vị rong biển (không bắt buộc).


3. Trang trí
- Bày sushi ra đĩa, trang trí cho đẹp mắt.
- Pha nước chấm bằng xì dầu, cho thêm ít nước và đường, wasabi, gừng dấm đỏ.
- Đun rượu sake cho gần sôi rồi bỏ vào hũ.

Xem hướng dẫn làm sushi qua video tại đây.

Địa chỉ mua đồ dùng và gia vị làm món sushi tại Hà Nội
Siêu thị Minimart 66 Bà Triệu
Các siêu thị trong hệ thống Fivimart
Siêu thị Unimart (trước đây tên là Hà Nội SEIYU): số 8 Phạm Ngọc Thạch + 102 Thái Thịnh
Shop Enishi: 228 Nghi Tàm
Shop Akuruhi: 33 Quốc Tử Giám
Dan'shop: Trạm đăng kiểm Ngọc Khánh

Các tiệm ăn Nhật ở Hà Nội
Hikari Japanese restaurant

105A5 Giảng võ, Ba Đình, Hà Nội.
Tel: (04) 7263392

Nhà hàng Asahi Sushi
288 Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Nhà hàng Genji
B58 Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tel: (04) 2186955

Nhà hàng Nihon Bashi
114 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Tel: 04. 8 352 643

Nhà hàng Totoya
637 Kim Mã, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: (04) 8347844

Nhà hàng cá hồi Salmon
72 Triệu Việt Vương

Chúc cả nhà ngon miệng, măm măm ực ực!

Monday, April 13, 2009

Thơ tình trong ngăn cặp

(Ảnh: Việt báo)

Lớp 12 Văn - Anh của chúng tôi ngày ấy có
26 vịt giời, đứa nào cũng tinh nghịch chứ không dịu dàng như con gái lớp văn vốn thế. Mỗi năm học, lớp tôi lại gây ra một vụ động trời nào đấy để "được" gặp thầy hiệu trưởng và "bêu gương" trước toàn trường. Bây giờ mà ngồi liệt kê kỷ niệm những ngày đi học, có lẽ tôi phải viết được một cuốn "trường thiên tiểu thuyết" vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, tháng ngày trôi rất nhanh, chưa kịp ghi chép lại một mẩu nào của cuốn tiểu thuyết ấy thì đã tới ngày chia tay tuổi học trò. Bỗng dưng mà cả lớp thành thi sĩ, chuyền tay nhau lưu bút kín đặc những thơ. Bây giờ, đọc lại những bài thơ ấy thấy mình thật "buồn cười", thật "sến", vừa sướt mướt nỗi niềm chia tay, vừa hồn nhiên đón nhận mùa xuân mới, lại vừa pha chút vẻ buồn thương thất tình kiểu học trò... Nhưng những ai tuổi 18 dạt dào cảm xúc hẳn sẽ hiểu cho chúng tôi.
Chép lại ở đây đôi bài thơ của bạn bè mà tôi còn giữ được, cho dù cũng chỉ "để gió cuốn đi"...
*
TUỔI PHƯỢNG HỒNG(Nguyễn Hương Giang)
Có một ngày, trời chẳng biếc xanh. Cái nắng vàng rực của mùa hè đã hiện lên thành cổ tích. Trong lòng chợt buồn.
Rồi mưa đầu mùa, mỏng manh như rây hạt. Những giọt nước lung linh nép vào phiến đá, ngơ ngác nhìn nhau. Cô học trò cuối cấp thấy mình xao động, nhặt lá vàng ép khung trời kỷ niệm thơ ngây. Ngày mai nhé, chúng ta sẽ bay xa, những vùng đất đang đợi ta lên đường khám phá. Thuyền Kiều của thầy cô cho chúng ta dũng khí, cho chúng ta đôi cánh trắng lung linh của những thiên thần. Cậu trò nhỏ nhìn qua khung cửa, chợt nao lòng vì một nụ cười tươi. Bím tóc ơi! Nhớ lắm những ngày xưa!... Và còn gì khi mỗi chúng ta chia tay dĩ vãng? Cây phượng cuối sân trường li ti sắc đỏ, để một lúc nào rực cháy những niềm thương, đốt cháy mùa hè nóng bỏng những tiếng ve. Ta sẽ chẳng là mưa, để giông bão về bâng khuâng phố cũ. Ta chỉ là lung linh giọt nhớ, kỷ niệm buồn thoáng qua day dứt tâm hồn.
Hạ về cho phượng hồng những cánh mỏng manh, những điều ta giữ chẳng thành câu thơ. Từ rày ta chẳng ngẩn ngơ, và ta cũng hết làm thơ... sân trường.

NƠI BẮT ĐẦU NỖI NHỚ
(Bùi Thanh Nhàn)

Hãy trả lại em những tháng năm yêu dấu
Thuở ngày xưa khi cắp sách đến trường

Tinh nghịch, hồn nhiên và tâm hồn mơ mộng

Cùng trang sách hồng chưa cạn những niềm thương


Đừng đem hạ về gieo cho mắt vấn vương

Màu hạ cuối nhuộm sầu bao kỷ niệm

12 năm trôi qua, nào ai có biết

Để giờ đây bùi ngùi - giây phút sắp chia tay


Nắng vẫn hồng, chim vẫn hót sớm nay

Chỉ có lớp học lặng im không muốn nói

Lưu bút trao nhau, ánh mắt nhìn bối rối

Chẳng thể nào ghi được - nỗi nhớ quá mênh mang
Có cô bé nào đứng mãi cuối hành lang
Tay cố hứng hết hạt mưa ngoài cửa lớp

Ôi đời học trò như cơn mưa bất chợt

Nhưng lắng lại trong mỗi người là ký ức khó phai phôi


"Riêng một thời cho màu phượng cháy thôi"

Bạn đừng khóc và đừng buồn như thế

Dẫu cuộc đời là mênh mông sóng bể
Sẽ có nơi dừng cho mình gặp lại nhau.



NỖI NIỀM GỬI LẠI
(Nguyễn Thị Hạnh)
Tôi sợ ngày tôi phải xa nơi đây
Xa mái trường, thầy cô và bè bạn

Xa những tháng ngày tôi yêu vô hạn

Những tháng ngày hóa máu đỏ trong tim...


Tháng ba - trời xanh thăm thẳm

Tháng ba - mưa buồn xa vắng

Vẫn nụ cười trên đôi môi thắm

Nhưng giấu bao nỗi niềm chan chứa yêu thương

Lũ học trò sợ phải xa mái trường

Thuở bồng bột thần tiên và thương yêu biết mấy


Tháng ba - trong ánh mắt thầy cô

Không giấu nổi tình yêu cùng lo âu khắc khoải

Lớp học trò sẽ ra đi và để lại

Trong thầy cô bao nỗi nhớ niềm yêu


Vẫn biết ngày mai xa mái trường

Những giận hờn bè bạn

Bài giảng từ thầy cô
Những kỷ niệm buồn vui đều đẹp

Sẽ theo tôi trên mỗi bước đường đời


Nhưng:

Phượng ơi đừng vội đỏ
Ve ơi đừng râm ran

Và bạn ơi đừng khóc
Thời gian ơi đừng trôi

Để còn mãi một tháng ba

Cho tất cả lũ học trò cuối cấp!



XUÂN VỀ TRÊN BẢN
(Nguyễn Thanh Huyền)
Cây cối tốt tươi trước trời xuân
Chim chóc hát ca chốn dương trần

Kìa bác đa già vừa tỉnh giấc

Rung rinh cành lá đón chào xuân

Năm nay xuân đến từ trên núi

Lướt nhẹ cánh mềm xuống bản em

Đem theo hơi ấm từ đâu tới

Có phải từ nơi đất mẹ hiền?

Văng vẳng tiếng khèn dội núi vao
Sắc xuân tô điểm áo hoa đào
Gái trai say đắm vui ngày hội
Câu hát giao duyên thật ngọt ngào

Ta đã nghe chim hót gọi xuân
Tiếng hát trong veo đến tuyệt trần
Ban đua nhau nở khoe sắc thắm
Mai vàng tách nụ điểm trời xuân.

XUÂN VỀ
(Nguyễn Lan Hương)
Gió xuân lùa trong ngõ nhỏ
Vậy là mùa xuân đã về
Bầu trời vừa thay áo mới
Sắc xanh pha hồng đẹp ghê!


Nắng xuân bừng lên ngày mới
Đất trời nhuộm một màu xuân Hoa đào trong vườn nở thắm Chúm chím má hồng bồ quân.

XUÂN SANG
(Nguyễn Hương Giang)
Cô mùa xuân thức giấc
Pháo hoa nở khắp trời

Mưa xuân bay lất phất
Cây khô đang nảy chồi

Hoa đào cười chúm chím

E ấp cánh môi hồng
Để ngày mai rực nở
Trong nhà thành pháo bông


VÔ ĐỀ
(Lê Vũ Hà)


Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em đi tìm ai trong cánh chim? Xuân về giữa một dòng sông trắng
Là trắng sương mù hay áo em?
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
(Phạm Ngọc)
Đi xa rồi anh có biết hay không?

Hoa dạ lý vẫn rụng đầy ngõ nhỏ
Em gom lại cánh hoa tàn một thuở

Để đêm về thao thức trong hương

Cánh phượng hồng mắt em mãi tơ vương

Đợi một chiều anh quay về đường vắng
Vòng xe đạp quay đi trong chiều nắng Rồi quay về trong những ánh sao rơi

Từ đây em xin gửi lại khoảng trời

Tuổi thơ em với bao nhiêu mộng ước Em đứng thẳng, rướn mình lên phía trước
Bỏ lại sau mình chiếc lá khắc tên anh


KHÔNG ĐỀ
(Dương Thiên Hương)
Nhện giăng tơ, đêm giăng nỗi nhớ
Nhớ cồn cào, nỗi nhớ về anh

Khung trời nào một khoảng nhớ mong manh
Em chờ đợi bóng hình người yêu dấu


KHOẢNG TRỜI
(Hà Kim)

Có khoảng trời trong veo trong mắt em
Anh chợt đến thắp xanh ngàn tia nắng
Giọt sương nào giấu lời yêu thầm lặng
Em nghiêng lòng trong mắt tím hoa mua

Có khoảng trời trong vắt những giọt mưa
Mùa giao mùa xôn xao trong mắt lá
Em gặp anh có gì đâu mà lạ
Sao cả xuân hồng cũng bối rối nhìn em?

Có khoảng trời trong giấc mơ Lọ Lem
Hoàng tử đến đón em vào cổ tích
Anh là Hoàng tử nhé? Để giấc mơ thành sự thật
Tim em hồng trong sắc tím hoa mua...


Tuesday, April 07, 2009

10 giải pháp cứu nguy cho hành tinh


Sự phát triển của nền công nghiệp toàn cầu trong vòng hai thế kỷ gần đây đã làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến cho nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên, nước biển dâng cao và kéo theo hàng loạt hiện tượng bất thường về thời tiết. Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, 90% nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do con người gây ra.

Nhiều nhà khoa học đã khẳng định: Biến đổi khí hậu toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, dù chúng ta kiểm soát mức phát thải khí nhà kính tốt đến đâu. Nguyên nhân là mức khí thải hiện có trong khí quyển sẽ tiếp tục làm nhiệt độ và mực nước biển gia tăng trong thế kỷ tới. Tuy nhiên, điều này càng khiến nhân loại phải hành động quyết liệt hơn và nhanh chóng hơn nhằm ngăn chặn sự gia tăng của hiểm họa này.
Trước tình trạng trên, nhà nghiên cứu Chris Goodall, người đã viết nhiều bài báo và cuốn sách về biến đổi khí hậu, đã đưa ra 10 giải pháp giúp hạn chế tình trạng xấu đi nhanh chóng của khí quyển toàn cầu thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng và công nghệ mới.

1. Năng lượng gió
Mặc dù còn nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ nguồn năng lượng này song nó có thể cung cấp hơn 30% điện năng của cả thế giới. Tuy nhiên, vì gió không thổi liên tục nên chúng ta cần phải tiếp tục phát triển các phương pháp tốt hơn để lưu trữ năng lượng tạo ra từ gió. Trong tương lai, thay vì chỉ sử dụng ở địa phương, năng lượng gió cần phải được phân phối tới nhiều khu vực và quốc gia khác nhau.

2. Năng lượng mặt trời
Năng lượng từ mặt trời lớn hơn rất nhiều lần so với mức cần thiết để cung cấp cho toàn thế giới. Vấn đề khó khăn hiện nay là chúng ta cần tìm ra các cách thức hiệu quả để thu lại nguồn năng lượng này. Các tấm pin mặt trời hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn song việc tăng cường đầu tư vào các tế bào quang điện đang tạo ra các mô hình thu được nhiều năng lượng hơn với chi phí sản xuất thấp hơn.

3. Năng lượng từ đại dương
Sóng, thủy triều và hải lưu có tiềm năng khổng lồ trong việc tạo ra nguồn năng lượng ít cácbon song những nỗ lực để khai thác chúng vẫn còn vấp phải khó khăn trong việc thiết kế các phương tiện có thể chống chịu được với các điều kiện khắc nghiệt của đại dương. Tuy nhiên, các phao thủy điện khai thác nguồn năng lượng sóng ở 50m dưới mực nước biển đã được đưa vào thử nghiệm ở Anh và tuốcbin thủy triều có quy mô thương mại đầu tiên của thế giới đã cung cấp điện cho hệ thống điện lưới quốc gia của nước này.

4. Kết hợp điện năng và nhiệt năng hao phí
Nhiệt hao phí chiếm tới gần 40% năng lượng sinh ra của các nhà máy điện. Để tránh hao phí, chúng ta có thể đưa các “nhà máy điện” về nhà, bằng cách lắp đặt các máy phát điện cỡ nhỏ trong gia đình. Các nhà máy điện thu nhỏ này có hiệu quả gần bằng các máy phát cỡ lớn và nhiệt năng sinh ra có thể được sử dụng để sưởi ấm và đun nước.


5. Những ngôi nhà siêu tiết kiệm năng lượng
Thay vì xây dựng những ngôi nhà mới “không có cácbon”, cách tốt hơn và rẻ hơn để giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính từ nhà ở là nâng cấp những ngôi nhà đã có. Nước Đức dẫn đầu về phương pháp này với phong trào xây dựng các Ngôi nhà thụ động (PassivHaus) nhằm giảm phát thải tới 80-90% nhờ sử dụng tường và cửa sổ cách nhiệt, hệ thống thông gió cải tiển không hao phí nhiệt năng… Tên gọi nhà thụ động bắt nguồn từ thực tế là loại nhà này hầu như không cần đến bất kỳ hệ thống sưởi ấm nào mà tận dụng hơi nóng tỏa ra từ các thiết bị nhỏ và thân nhiệt của những người trong nhà. Với bộ phận giữ nhiệt bên trong, hệ thống thông gió tự động sẽ giúp các gian phòng thoáng đãng hơn.

6. Xe chạy điện
Các mẫu xe chạy điện thường mang “tiếng xấu” về kiểu dáng và tốc độ - hai yếu tố quan trọng đối với những người mê xe. Tuy nhiên, các xe thể thao chạy điện như Tesla Roadster với kiểu dáng đẹp và tiết kiệm năng lượng có thể khiến bạn hài lòng với số tiền bỏ ra. Mặc dù hiện nay ô tô điện không rẻ nhưng giá cả có thể giảm xuống nhờ cải tiến hệ thống ắc quy. Với chi phí vận hành thấp hơn 5% so với các mẫu xe chạy bằng dầu diesel, các loại xe điện sẽ nhanh chóng trở thành một lựa chọn hấp dẫn trong tương lai. Thậm chí, một số nghiên cứu gần đây còn đưa ra ý tưởng sử dụng xe chạy điện như những trạm dự trữ cho điện lưới trong khu vực khi không vận hành.

7. Nhiên liệu sinh học thế hệ hai
Giờ đây, chế tạo nhiên liệu sinh học từ các loại cây lương thực bị coi là một ý tưởng tồi, làm tăng thêm nạn phá rừng và có khả năng dẫn đến thiếu lương thực. Tuy nhiên, thế hệ nhiên liệu sinh học thứ hai được tạo thành từ các phế phẩm nông nghiệp đã mở ra nhiều triển vọng thực tế. Nhờ các công nghệ phân tách xenlulô, gỗ thải có thể biến thành nhiên liệu lỏng. Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ đang chi những khoản tiền khổng lồ vào các công nghệ này và chẳng bao lâu nữa, ý tưởng này sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý chặt chẽ việc sản xuất xenlulô cần được coi là vấn đề sống còn do nhu cầu nhiên liệu của thế giới ngày càng tăng.

8. Kiểm soát cácbon
Do sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo không đủ đáp ứng nhu cầu điện năng của thế giới, việc tìm kiếm một phương pháp hiệu quả để giữ lại lượng cácbon điôxít (CO2) sinh ra từ các nhà máy điện là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. Việc đầu tư vào các công nghệ trữ cácbon vẫn còn tiến triển chậm chạp song chính phủ các nước trên thế giới đang bắt đầu thấu hiểu tầm quan trọng của việc tài trợ cho nghiên cứu này và cam kết ủng hộ công nghệ mới.

9. Than sinh học
Trước những dự đoán về thay đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, chúng ta cần những biện pháp nhanh chóng hơn, đơn giản hơn và chi phí thấp hơn để giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính. Một trong những biện pháp để kiểm soát cácbon là sử dụng than sinh học, một loại than được tạo thành từ việc đốt cháy các phế phẩm sinh học trong môi trường yếm khí. Đặc biệt, than sinh học không dễ bị phân hủy và có thể lưu trữ dưới đất qua hàng trăm năm mà không thải cácbon ra khí quyển, đồng thời nó còn làm tăng độ màu mỡ của đất trồng.

10. Bếp đun sử dụng khí sinh học (biogas)
Nạn phá rừng là một vấn đề phức tạp và trong tương lai, có thể chúng ta sẽ phải trả tiền cho người dân để duy trì diện tích rừng. Trước mắt, chúng ta cần tập trung vào các biện pháp làm giảm nhu cầu phá rừng. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng bếp đun biogas mà dẫn đầu là Trung Quốc. Nước này đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho người dân sử dụng các công nghệ biogas và đến nay đã đạt được một số kết quả đáng kể.

Phương Hà (Theo Newscientist /Quân đội nhân dân cuối tuần)

Chú thích ảnh: 1. Các nghiên cứu cho thấy nhiệt độ bề mặt Trái đất đang tăng lên nhanh chóng (Ảnh: Reuters -NASA)

2. Một ngôi nhà thụ động ở Darmstadt, Đức (Ảnh: Wikimedia Commons)