Status

Be happy, my dear!

Tuesday, April 07, 2009

10 giải pháp cứu nguy cho hành tinh


Sự phát triển của nền công nghiệp toàn cầu trong vòng hai thế kỷ gần đây đã làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến cho nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên, nước biển dâng cao và kéo theo hàng loạt hiện tượng bất thường về thời tiết. Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, 90% nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do con người gây ra.

Nhiều nhà khoa học đã khẳng định: Biến đổi khí hậu toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, dù chúng ta kiểm soát mức phát thải khí nhà kính tốt đến đâu. Nguyên nhân là mức khí thải hiện có trong khí quyển sẽ tiếp tục làm nhiệt độ và mực nước biển gia tăng trong thế kỷ tới. Tuy nhiên, điều này càng khiến nhân loại phải hành động quyết liệt hơn và nhanh chóng hơn nhằm ngăn chặn sự gia tăng của hiểm họa này.
Trước tình trạng trên, nhà nghiên cứu Chris Goodall, người đã viết nhiều bài báo và cuốn sách về biến đổi khí hậu, đã đưa ra 10 giải pháp giúp hạn chế tình trạng xấu đi nhanh chóng của khí quyển toàn cầu thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng và công nghệ mới.

1. Năng lượng gió
Mặc dù còn nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ nguồn năng lượng này song nó có thể cung cấp hơn 30% điện năng của cả thế giới. Tuy nhiên, vì gió không thổi liên tục nên chúng ta cần phải tiếp tục phát triển các phương pháp tốt hơn để lưu trữ năng lượng tạo ra từ gió. Trong tương lai, thay vì chỉ sử dụng ở địa phương, năng lượng gió cần phải được phân phối tới nhiều khu vực và quốc gia khác nhau.

2. Năng lượng mặt trời
Năng lượng từ mặt trời lớn hơn rất nhiều lần so với mức cần thiết để cung cấp cho toàn thế giới. Vấn đề khó khăn hiện nay là chúng ta cần tìm ra các cách thức hiệu quả để thu lại nguồn năng lượng này. Các tấm pin mặt trời hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn song việc tăng cường đầu tư vào các tế bào quang điện đang tạo ra các mô hình thu được nhiều năng lượng hơn với chi phí sản xuất thấp hơn.

3. Năng lượng từ đại dương
Sóng, thủy triều và hải lưu có tiềm năng khổng lồ trong việc tạo ra nguồn năng lượng ít cácbon song những nỗ lực để khai thác chúng vẫn còn vấp phải khó khăn trong việc thiết kế các phương tiện có thể chống chịu được với các điều kiện khắc nghiệt của đại dương. Tuy nhiên, các phao thủy điện khai thác nguồn năng lượng sóng ở 50m dưới mực nước biển đã được đưa vào thử nghiệm ở Anh và tuốcbin thủy triều có quy mô thương mại đầu tiên của thế giới đã cung cấp điện cho hệ thống điện lưới quốc gia của nước này.

4. Kết hợp điện năng và nhiệt năng hao phí
Nhiệt hao phí chiếm tới gần 40% năng lượng sinh ra của các nhà máy điện. Để tránh hao phí, chúng ta có thể đưa các “nhà máy điện” về nhà, bằng cách lắp đặt các máy phát điện cỡ nhỏ trong gia đình. Các nhà máy điện thu nhỏ này có hiệu quả gần bằng các máy phát cỡ lớn và nhiệt năng sinh ra có thể được sử dụng để sưởi ấm và đun nước.


5. Những ngôi nhà siêu tiết kiệm năng lượng
Thay vì xây dựng những ngôi nhà mới “không có cácbon”, cách tốt hơn và rẻ hơn để giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính từ nhà ở là nâng cấp những ngôi nhà đã có. Nước Đức dẫn đầu về phương pháp này với phong trào xây dựng các Ngôi nhà thụ động (PassivHaus) nhằm giảm phát thải tới 80-90% nhờ sử dụng tường và cửa sổ cách nhiệt, hệ thống thông gió cải tiển không hao phí nhiệt năng… Tên gọi nhà thụ động bắt nguồn từ thực tế là loại nhà này hầu như không cần đến bất kỳ hệ thống sưởi ấm nào mà tận dụng hơi nóng tỏa ra từ các thiết bị nhỏ và thân nhiệt của những người trong nhà. Với bộ phận giữ nhiệt bên trong, hệ thống thông gió tự động sẽ giúp các gian phòng thoáng đãng hơn.

6. Xe chạy điện
Các mẫu xe chạy điện thường mang “tiếng xấu” về kiểu dáng và tốc độ - hai yếu tố quan trọng đối với những người mê xe. Tuy nhiên, các xe thể thao chạy điện như Tesla Roadster với kiểu dáng đẹp và tiết kiệm năng lượng có thể khiến bạn hài lòng với số tiền bỏ ra. Mặc dù hiện nay ô tô điện không rẻ nhưng giá cả có thể giảm xuống nhờ cải tiến hệ thống ắc quy. Với chi phí vận hành thấp hơn 5% so với các mẫu xe chạy bằng dầu diesel, các loại xe điện sẽ nhanh chóng trở thành một lựa chọn hấp dẫn trong tương lai. Thậm chí, một số nghiên cứu gần đây còn đưa ra ý tưởng sử dụng xe chạy điện như những trạm dự trữ cho điện lưới trong khu vực khi không vận hành.

7. Nhiên liệu sinh học thế hệ hai
Giờ đây, chế tạo nhiên liệu sinh học từ các loại cây lương thực bị coi là một ý tưởng tồi, làm tăng thêm nạn phá rừng và có khả năng dẫn đến thiếu lương thực. Tuy nhiên, thế hệ nhiên liệu sinh học thứ hai được tạo thành từ các phế phẩm nông nghiệp đã mở ra nhiều triển vọng thực tế. Nhờ các công nghệ phân tách xenlulô, gỗ thải có thể biến thành nhiên liệu lỏng. Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ đang chi những khoản tiền khổng lồ vào các công nghệ này và chẳng bao lâu nữa, ý tưởng này sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý chặt chẽ việc sản xuất xenlulô cần được coi là vấn đề sống còn do nhu cầu nhiên liệu của thế giới ngày càng tăng.

8. Kiểm soát cácbon
Do sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo không đủ đáp ứng nhu cầu điện năng của thế giới, việc tìm kiếm một phương pháp hiệu quả để giữ lại lượng cácbon điôxít (CO2) sinh ra từ các nhà máy điện là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. Việc đầu tư vào các công nghệ trữ cácbon vẫn còn tiến triển chậm chạp song chính phủ các nước trên thế giới đang bắt đầu thấu hiểu tầm quan trọng của việc tài trợ cho nghiên cứu này và cam kết ủng hộ công nghệ mới.

9. Than sinh học
Trước những dự đoán về thay đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, chúng ta cần những biện pháp nhanh chóng hơn, đơn giản hơn và chi phí thấp hơn để giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính. Một trong những biện pháp để kiểm soát cácbon là sử dụng than sinh học, một loại than được tạo thành từ việc đốt cháy các phế phẩm sinh học trong môi trường yếm khí. Đặc biệt, than sinh học không dễ bị phân hủy và có thể lưu trữ dưới đất qua hàng trăm năm mà không thải cácbon ra khí quyển, đồng thời nó còn làm tăng độ màu mỡ của đất trồng.

10. Bếp đun sử dụng khí sinh học (biogas)
Nạn phá rừng là một vấn đề phức tạp và trong tương lai, có thể chúng ta sẽ phải trả tiền cho người dân để duy trì diện tích rừng. Trước mắt, chúng ta cần tập trung vào các biện pháp làm giảm nhu cầu phá rừng. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng bếp đun biogas mà dẫn đầu là Trung Quốc. Nước này đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho người dân sử dụng các công nghệ biogas và đến nay đã đạt được một số kết quả đáng kể.

Phương Hà (Theo Newscientist /Quân đội nhân dân cuối tuần)

Chú thích ảnh: 1. Các nghiên cứu cho thấy nhiệt độ bề mặt Trái đất đang tăng lên nhanh chóng (Ảnh: Reuters -NASA)

2. Một ngôi nhà thụ động ở Darmstadt, Đức (Ảnh: Wikimedia Commons)

1 Comment:

Anonymous said...

Từ ngày ở gần chị, em đâm ra cũng ít dùng túi nilon rồi đấy, ko vứt rác linh tinh nữa chứ. Eo ôi, mình phục mình quá cơ... he he