Đến Hội An vào đúng đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2008, dù đói - mệt đến mấy cũng phải cố bò ra sông Hoài để... hóng. Có lẽ, hiếm khi con sông này được trang hoàng lộng lẫy đến thế.
Tuy nhiên, đêm sông Hoài ngày thường cũng không kém phần lung linh với ánh sáng lấp lánh từ các cửa hiệu san sát hai bên bờ sông.
Đèn lồng dường như đã trở thành một trong những nét đặc trưng nhất của đêm sông Hoài:
Mở cửa tới tận đêm khuya, những hiệu đèn lồng luôn thu hút du khách tới xem – mua :
Phong phú kiểu dáng và màu sắc :
Chùa Cầu - điểm du lịch nổi tiếng của Phố Hội cũng lung linh ánh đèn lồng:
Các món ăn dân dã ở Hội An không giống với Huế và khác hẳn với Nha Trang. Cùng một món nhưng cách nấu của người Hội An có vẻ dễ ăn và dễ... đi vào lòng người hơn. Tiêu biểu một vài món vặt vãnh để bạn lang thang buổi tối như cơm gà bà Buội, bánh bao, bánh vạc, hủ tiếu, cao lầu, bánh đập, hến trộn, chè bắp...
Nếu có thời gian, bạn hãy dành trọn một ngày cho Cù lao Chàm.
Mặc dù chỉ cách bãi biển Cửa Đại khoảng 15 km nhưng hành trình ra đảo thật « gian nan ». Đầu tiên, chúng tôi đi tàu chợ, ngồi chen chúc với gà, vịt, ngan, ngỗng, rau củ quả...
Sau đó, chủ tàu bị trạm kiểm soát phạt vì chở quá tải, hành khách phải lục tục chuyển sang tàu du lịch - đẹp hơn, rộng hơn nhưng cũng... buồn ngủ hơn. Được cái, nhà tàu luôn sẵn chiếu cho du khách ngả lưng chợp mắt.
Mở mắt ra đã thấy một dải cù lao xanh rượi trải dài trên mặt biển, lả lướt những bóng dừa. Nắng vừa đủ vàng, gió vừa đủ mạnh, nước thì trong vắt, hải sản tươi ngon, người dân thân thiện - quả là một địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi, tắm biển và khám phá các trò chơi thể thao biển như lướt ván, dù bay, chèo thuyền kayak, thả diều, đua thuyền... Đoạn này háo hức chạy lên thăm đảo nên không có ảnh, xin mượn một ảnh trên web Quang Nam Business để minh họa nhé.
Sau bữa trưa ngon miệng với giá cả phải chăng, chúng tôi lên thuyền của một ngư dân ra đảo Yến và lặn biển xem san hô. Thú thực, nhìn cái gọi là « thuyền » mà tôi rùng cả mình. Chỉ là một chiếc thuyền nhỏ, mái là tấm vải căng lên che nắng, động cơ trông giống một quả bom tự chế, kêu to lộng cả óc và hệ thống « thoát nước » của thuyền là 100% bằng tay (múc từng gáo nước trong lòng thuyền đổ ra ngoài). Nhưng thôi, tặc lưỡi theo... anh lái thuyền. Mỗi lần sóng lao lên, chúng tôi lại được một phen hú vía. Lạy trời, tôi mới chỉ biết lội, chưa biết bơi!!!
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được đảo Yến, dù không được lên đảo (tài sản quốc gia mà) nhưng chỉ cần đứng từ xa ngắm bầy chim ríu rít trên những vách đá cheo leo cũng đủ mãn nhãn.
Anh « thuyền trưởng » vui tính kiêm hướng dẫn viên và hướng dẫn lặn của chúng tôi:
Ấn tượng nhất, vui nhất và đáng nhớ nhất khi đến Cù lao Chàm là tiết mục lặn biển ngắm san hô. Không biết bơi cũng cứ đeo kính, ngậm ống thở và lao xuống làn nước trong vắt vì đã có hướng dẫn viên... lôi đi. Vui và thú vị vô cùng khi được nhìn thấy san hô sống và muôn vàn loài cá hay ho!
Nghe nói, nơi đây có 135 loài san hô trong đó có 6 loài lần đầu tiên ghi nhận ở vùng biển VN, 500 thảm rong và cỏ biển, 202 loài cá, 4 loài tôm hùm và 84 loài nhuyễn thể (báo Tuổi trẻ). Cù lao Chàm cũng là một trong 15 khu bảo tồn biển quý giá của Việt Nam (tính đến năm 2007).
Ngoài ra, bạn còn có thể tham quan phòng trưng bày những sản phẩm gốm sứ cổ Chu Đậu trên con tàu đắm, chùa Hải Tạng gần 300 năm tuổi, thăm giếng cổ, Lăng Ông... Tiếc rằng 3 giờ chiều chúng tôi đã phải theo tàu quay về đất liền nên không có dịp khám phá trọn vẹn đất cù lao. Thôi thì hẹn lần sau...
Ngày thứ ba, chúng tôi quay lại với phố cổ…
Ban ngày, phố cổ Hội An giống như một khu tập thể nhiều ngõ ngách, bạn chỉ cần thuê một chiếc xe đạp rong ruổi vài vòng là đã thấy... quen quen. Nhưng đừng vì thế mà bỏ qua dịch vụ City tour ở đây, nếu không bạn sẽ không thể nào cảm và hiểu hết ý vị lịch sử trên từng con phố bạn đã qua. Chương trình cho phép bạn tự chọn 5 điểm tham quan có thuyết minh trong số các địa điểm như: Hội quán Phúc Kiến, Xưởng thủ công mỹ nghệ và biểu diễn nghệ thuật dân gian (số 9 Nguyyễn Thái Học), Nhà thờ tộc Trần (số 21 Lê Lợi), Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Văn hóa dân gian, Nhà cổ Phùng Hưng (số 4 Nguyễn Thị Minh Khai), Nhà cổ Quân Thắng (số 77 Trần Phú), Chùa Cầu, miếu Quan Công...
Điểm đến đầu tiên mà chúng tôi chọn là Hội quán Phúc Kiến - một địa danh hết sức nổi tiếng của Hội An với lối kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo và những vòng hương lớn trong treo những lời cầu nguyện của khách thập phương. Hết một tháng, hương tàn, lời cầu sẽ được « hóa vàng » để lại bắt đầu những vòng hương mới.
Bảo tàng Văn hóa Sa huỳnh cũng là một nơi rất đáng để bạn tham quan. Tại đây, bạn có thể nhìn ngắm tận mắt nhiều loại chum mộ cổ với hoa văn mộc mạc, hồn hậu. Đặc biệt, bạn sẽ thấy rất nhiều đồ trang sức : khuyên tai, vòng cổ, vòng tay... bằng đá, thủy tinh, ngọc mã não... của người xưa. Mới hay, phụ nữ thời đại nào cũng... điệu như nhau.
Khác với Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Văn hóa nghệ thuật dân gian hấp dẫn bạn bởi sự phong phú của hiện vật trưng bày: từ dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, cách bài trí nhà cổ đến các loại nhạc cụ, trang phục, điệu múa cổ xưa. Bản thân ngôi nhà cổ được trưng dụng làm Bảo tàng này cũng đã là một tác phẩm kiến trúc tuyệt vời. Ngoài ra, tôi rất ấn tượng với hình ảnh các sinh viên khảo cổ của Nhật Bản đang chăm chú làm việc để giúp phục dựng lại các cổ vật của chúng ta.
Những người bạn nước ngoài có thể chuyên chú để bảo tồn cổ vật Việt Nam đến thế, cớ sao nhiều người ở chính nước mình vẫn « vô tư » hủy hoại các di tích, công trình và thắng cảnh nước mình nhỉ ?!
Dường như, bất kỳ ngôi nhà cổ nào ở Hội An cũng là một địa điểm thú vị, đáng để bạn chiêm ngưỡng và trầm trồ thán phục. Nhưng nếu không có những hướng dẫn viên am hiểu và nhiệt tình, bạn sẽ không thể hiểu hết vì sao đô thị này lại xứng đáng là một niềm tự hào của Việt Nam. Chúng tôi thực sự cảm thấy mình may mắn khi gặp được một hướng dẫn viên tuyệt vời - một người Hội An đúng nghĩa. Nếu bạn có đi Hội An, hãy thử mua vé city tour và hỏi chú Trương Duy Trí - chắc chắn chú sẽ khiến bạn say mê nơi này với khiếu hài hước lôi cuốn và sự am hiểu sâu sắc về văn hóa địa phương.
Trong cảm nhận của tôi, Hội An sẽ là nơi « đi mãi không chán » bởi không chỉ vẻ đẹp tự nhiên mà cách người Hội An bảo tồn - giữ gìn các giá trị văn hóa cũng thật đặc biệt và đáng để những nơi khác « noi gương ».
(* Vừa đi, vừa viết, vừa chụp ảnh nên tạm gọi là “du ký ảnh”.
Bài viết có sử dụng một số ảnh của chị Đỗ Việt Hà và em Hương Xinh)
4 Comment:
Lâu lắm mới thấy chắp bút lại, mà viết vẫn bay nhỉ :D. Em nghe lại thích đi rồi, nhưng chỉ vì cái dự án BĐS chết tiệt kia nên chả dám đi tới đâu cả.
Làm 1 tour du lịch sông Hồng cho đỡ vật ko chị? Dự án treo hơi lâu rồi đấy!
À, mà em chưa bao giờ thấy Hội An có món ẩm thực nào là "3 ngón" nhỉ? Trong ảnh chị lại có. Sinh động thế!
he he, cái món đó là BÁNH ĐẬP đấy chứ, cô này chỉ được cái tưởng tượng :-P
Mùa lũ lại rủ người ta đi sông Hồng là sao? Ý kiến tệ quá xá!
hôm trước chị Quế Anh vẫn đi đấy thôi. Ko thích thì để mùa nước cạn đi cho yên tâm vậy!
Post a Comment