Khai xuân đi nói chuyện mùa thu, kể cũng
hơi trái khoáy. Nhưng cuốn sách đầu tiên tôi đọc năm nay thực sự đã mang lại
cho tôi thêm một bài học nữa về tình yêu thương con người, thứ mà đầu năm hay
cuối năm, đầu đời hay cuối đời cũng đều quan trọng cả.
Lơ đãng lướt qua danh mục sách của Tiki,
tôi vô tình chọn "Mùa thu của cây dương" hoàn toàn chỉ vì cái... bìa
bắt mắt. Ban đầu có chút thất vọng, vì tên sách là thế nhưng nhân vật chính chả
phải cây dương nào cả, cái cây chỉ như một ẩn dụ lơ lửng trong sách mà thôi. Nhưng
giữa đống sách nằm lăn lóc trên giá chờ đọc, cuốn này có vẻ... mỏng nhất nên
tôi thường giở ra đọc trước khi ngủ. Kể ra thì nửa đầu cuốn sách đọc khá chật vật,
mỗi hôm vài trang, phần vì bận mờ mắt cả ngày, đến giờ ngủ chỉ muốn ngủ, phần
vì truyện này giống nhiều tác phẩm khác của Nhật mà tôi từng đọc, cứ na ná nhau
với một nhịp điệu thong thả, chậm rãi, nội dung thì nhuốm đầy màu sắc nội tâm.
À, nó khiến tôi tự dưng liên tưởng đến một nước Nhật "lão hóa", kiệm
lời, khó tính và sâu sắc. Nhất là câu chuyện lại xoay quanh nhân vật chính là
cô bé nhạy cảm và một bà cụ già. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chỉ kể về
cô bé Chiaki mất bố khi mới lên sáu, phải trải qua khủng hoảng gần như một mình
vì mẹ cô trốn vào nỗi đau riêng, nhờ có bà cụ và những tháng ngày sống ở trang
viên Cây Dương mà cô đã tìm lại được niềm vui sống...
Thế nhưng, hành trình nội tâm của Chiaki mới
là điều đáng nói. Trên con đường đó, mỗi nhân vật xuất hiện đều có những số phận
khác nhau, kì lạ, mà quen thuộc, như thể ta vẫn gặp những con người đó, đâu đó
rất thực trong cuộc đời này. Một bác hàng xóm cô đơn, sống bên cạnh một cô gái
già cũng cô đơn, với một bà cụ đơn độc, và hai mẹ con côi cút, cùng với cây
dương lẻ bóng. Ờ thì hình như, các thể loại cô đơn, bây giờ ta gặp đầy rẫy
trong đời!
Càng đọc về cuối, câu chuyện càng cuốn hút,
và cái kết bất ngờ trong những trang cuối cùng của cuốn sách khiến tôi bàng
hoàng! Hóa ra, hành trình hai mươi năm trải nghiệm và khám phá nội tâm của nhân
vật chính từ lúc còn thơ bé đến lúc đã là một phụ nữ từng trải vẫn chưa đủ để
cô trưởng thành. Hóa ra, chừng ấy tháng năm vẫn chưa đủ để cô biết được sự thật
về tình yêu thương sâu thẳm của người mẹ và lòng nhân hậu của bà cụ mà cô ngỡ
như đã hiểu rất rõ. Đến tận lúc bà cụ qua đời, và mẹ đã không còn bên cạnh,
Chiaki mới hiểu được nỗi đau mà mẹ âm thầm mang chịu, và nguồn cơn của những
khoảng cách không thể lấp đầy, cũng như ngộ ra rằng cái bà cụ quái gở ngày nào thực
ra là một người đáng kính, lặng lẽ gom nhặt những lá thư gửi người quá cố để
hóa giải nỗi đau của người đang sống. Cô bé Chiaki đã lớn ngày nào đã nhận ra ý
nghĩa của cuộc đời: "Chắc chắn, những
ngày tươi đẹp sẽ lại tới. Bởi vì: tôi còn sống." Tôi cũng nhận ra rằng:
chỉ yêu thương thôi chưa bao giờ là đủ, cần phải nuôi dưỡng nó để sống mỗi ngày
thật tươi đẹp, nói với những người ta yêu rằng ta yêu họ bằng lời nói, bằng
hành động, cũng như không vì mất đi thứ ta yêu thương mà quên đi cuộc sống này.
Chiaki đã may mắn gặp được bà cụ, còn tôi,
rất may là đã vô tình chọn mua cuốn sách này :) Nó quả thực là "một cái nhìn sắc sảo về nỗi đau mỗi người phải
gánh chịu cũng như những điều tuyệt vời họ có thể đón nhận khi lớn lên"
(Publishers Weekly).
Tái
bút:
Nhân tiện, bây giờ tôi mới nhận ra là hình
như trong những cuốn sách đã đọc, chỉ có bọn nhóc và các ông bà già là những
người biết lắng nghe cuộc sống và dừng lại nhìn ngắm thế giới xung quanh. Cái bọn
mới lớn và những người tự cho mình đã trưởng thành cứ mải mê tìm kiếm cái
"TÔI" - selft-concept, self-identifying, self-esteem,
self-awareness... đại loại thế, mà đôi khi giật mình nhận ra mình đã bỏ lỡ những
thứ quan trọng hơn trong đời.
Nếu ai thích đọc cuốn này, tôi nghĩ chắc sẽ
thích luôn cuốn "Khu vườn mùa hạ"
cũng của Kazumi Yumoto - cùng một mô-típ nhưng nhẹ nhàng và tươi sáng hơn! Đọc
cuốn đó, sẽ thấy tim mình ấm áp!
Theo thói xấu do showbiz tạo ra, tôi đang
mong đợi Kazumi Yumoto viết một bộ combo "bốn mùa"!
1 Comment:
Có một khu vườn mùa hạ
Nắng và gió ở trên đầu
Mắt người xanh mắt lá
Lặng im nghe gió về đâu
Post a Comment