Status

Be happy, my dear!

Monday, July 31, 2006

Ngày mưa tháng bảy...


Khi đi trên đường, dưới trời mưa, người ta nghĩ ra được nhiều điều...

Mưa! Không tắc đường, không khói bụi ô nhiễm và người đi đường vì thế ít nhìn nhau khó chịu....

Lúc ở trong nhà nhìn trời mưa, tự nhủ: không sao đâu, mình đã có áo mưa rồi, và tôi phóng ào ra. Nhưng ngay lập tức mưa giáng cho tôi cú tát đầu tiên tối tăm mặt mũi. Mưa xối xả. Có khi trời nhằm lúc tôi đi mà trút hết mưa xuống cho bõ ghét cái con bé nghênh ngang này.

Mà có lẽ chẳng đâu mưa như nước mình. Ngày xưa học môn địa lí, cứ rỉ rả đọc bài “nước ta thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều...” đâu có hiểu được mưa nhiệt đới là như thế nào. Bây giờ thì đây, mưa dằng mưa dai, mưa hoài mưa huỷ, nước tát vào mặt rát rạt, chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Giữa màn mưa, con người ta thật nhỏ bé và tội nghiệp, trừ những người ngồi trên ôtô. Họ lơ đãng nhìn ra ngoài cửa xe, và mỉm cười. Họ cười gì nhỉ? Trên đường chỉ toàn những người nhỏ bé đang nhắm tịt cả mắt phóng xe máy mong trốn chạy đợt mưa ào ào đổ bộ trên đầu; những người còng lưng đạp xe, oằn mình chống lại cơn gió thốc. Anh nói, những lúc mưa thế này mới hiểu hết giá trị của cái xe bốn bánh! Tôi không biết nữa. Mưa to quá. Một tay giữ tay lái xe, tay kia phải túm chặt cổ áo để nước mưa không tạt vào người, nhưng mưa mạnh quá, bất chấp tôi cố gắng thế nào, nước vẫn nhoè nhoẹt khuôn mặt và chảy tràn xuống cổ, một dòng lạnh buốt len lỏi khắp người. Bất giác rùng mình! Ừ, tôi không ngồi trên một cái xe bốn bánh lúc này, nhưng tôi vẫn có thể về nhà nhanh hơn những người đang oằn mình đạp xe kia; hay ít ra là những người bán hoa quả rong đang đứng dầm mưa kia, họ đợi gì chứ, họ mong gỡ lại chút vốn cho một ngày ế ẩm nhưng mưa thế này ai còn tâm trí đâu mà nghĩ đến mua với bán, người ta chỉ mong về nhà thật nhanh hay chui vào được một nơi nào đấy ấm áp khô ráo, mà họ thì vẫn cứ đứng đấy, lỏng chỏng những gánh hàng, câm lặng nhìn màn mưa. Tháng ngâu này mưa nhiều lắm...

Hà Nội mưa! Buồn xiết! Nước ràn rụa mặt người. Nước tràn lênh láng đường, rồi dâng lên ứ đầy những con đường chật chội. Bóng người nhoè đi trong mưa nhạt nhoà. Không hiểu sao những người có tâm hồn lãng mạn lại có thể làm thơ về mưa ngọt ngào và dịu dàng thế. Tôi thấy mưa ào ạt và buốt lạnh. Ước chi giờ này được ở nhà... Ở nhà dù mưa lớn cỡ nào, đạp xe về chạy ào vào trong nhà thấy mẹ là dễ chịu liền, trời lại nắng khi mẹ lấy khăn bông xoa đầu và lau nước mưa trên mặt và mẹ bao giờ cũng mắng sao không mặc áo mưa vào. Ngày còn bé, lúc trời mưa, bố hoặc mẹ hay cõng tôi trên lưng, tôi ngọ ngoạy lùng bùng trong tấm nilon, không nhìn thấy gì hết, chỉ thấy dưới bàn chân nhỏ xíu vung vẩy của mình là chân mẹ đang đi ủng lội qua vũng bùn, tôi đếm mãi đếm mãi xem mẹ đi được bao nhiêu bước rồi, đếm nhiều quá mắt díp lại, ngủ ngon lành trên lưng mẹ lúc nào không biết... Lớn hơn chút nữa thì thích nghịch nước, mẹ cấm không được tắm mưa như bọn con trai, tôi cầu cho mưa to ngập đầy khoảng sân nhỏ trước nhà, thế là biển cả ở ngay trước mặt, tôi mê mải chơi trò thám hiểm đại dương. Chỉ là lội qua lội lại trong sân mà chơi hoài không chán. Hết một mùa mưa, bao nhiêu vở của tôi cũng bị xé sạch giấy để gấp thuyền. Mẹ không biết, vì những con thuyền giấy không mắc lại trong sân, thuyền trôi theo dòng nước dâng lên, trôi mãi trôi mãi ra ngoài cánh đồng rồi trôi vào dòng suối lớn. Mùa mưa tới cũng là mùa lũ, nước suối cuồn cuộn đục ngầu. Suối không rộng như sông nhưng đáng sợ hơn khi lũ về. Nước xiết và rất nhiều xoáy lớn, cuốn theo cả những gốc cây cổ thụ trăm tuổi trên đầu nguồn, cuốn theo nhà cửa, trâu bò, và cả người nữa... Mẹ sợ mùa lũ. Mẹ lo. Nước dữ vậy mà bố cứ ra suối bắt cá, bố nói, cá bị lũ cuốn thường rất to. Bố là tay sát cá có tiếng trong vùng, mùa lũ, tôi được ăn cá thoả thê và có nhiều loại cá lạ tôi chưa từng thấy. Có con cá quất vàng ươm ngoài sông nặng tới 20cân bị lạc vào suối, cá nước ngọt như vậy là lớn lắm, bố tôi và mấy chú hò nhau bắt về. Mẹ chẳng động đũa miếng nào cả, mẹ chỉ thở dài. Đến tận sau này, khi thị xã có hồ nuôi cá, cá không còn là món hiếm nữa, mẹ mới thôi thở dài...

Hà Nội không có suối, nhưng những con đường ngập nước bỗng chốc thành suối nhỏ. Xe cộ đi trên đường bỗng nhiên, ở một ngã rẽ nào đấy, gặp suối trong lòng thành phố, luống cuống không biết làm sao đành nhắm mắt lao qua. Chậc! Hà Nội sao mà giống cái sân ngập nước ngày xưa của tôi thế. Chỉ có điều lúc này tôi không vẫy vùng mải mê, tôi đang bị kẹt trong mưa, xe lao qua khoảng nước sâu, lục bục rồi tắt máy. Mưa thì vẫn xối xả không ngớt. Tay đã run lên vì lạnh. Không làm sao nổ máy lại được, tôi đành dắt bộ về nhà... Mưa đã ngớt rồi nhưng nước vẫn đầy ứ. Một nhóm các chàng trai to cao đứng nhìn và chỉ trỏ cô nhỏ đang ra sức đẩy xe qua đoạn nước ngập sang bên kia đường. Dòng nước ngược chiều cản xe lại, nặng thật là nặng, cô nhỏ mím môi. Các chàng trai cười. Chậc! Rồi sẽ qua thôi mà...

Ngõ vào nhà vẫn còn ngập nước, nước trong veo, bập bềnh những cánh hoa tigôn rụng làm hồng cả lối đi. Hoa giấy cũng rụng tràn lan mặt nước. Trông xa lúc nước lặng cả con ngõ dài như một tấm gương trong suốt màu hồng. Phải chi tôi là thi nhân chắc đã viết xong một tập thơ về mưa. Nhưng dở thay tôi là con bé đang cáu kỉnh vì mệt và lạnh, bao nhiêu những ý nghĩ miên man đẹp đẽ về mưa lúc đi trên đường bỗng chốc bị xoá sạch, như sau một trận mưa, tất cả đều được gội rửa...

Phải, khi đi trên đường, người ta hay nghĩ linh tinh, dưới trời mưa...

HN, 30.7.2006

Friday, July 07, 2006

Bài thơ của mùa hè


Mùa hạ thắp lửa hàng hàng
Dọc ngang như bao nỗi nhớ
Em về không là ngọn lửa
Mà thiêu trái tim nồng nàn

Thursday, July 06, 2006

Bài thơ cho K

Một chiếc lá rơi ngang cửa mùa hè
Những vệt nắng ngang qua chiều vội vã
Câu thơ ngang đôi mắt buồn hối hả
Bắt gặp em ngang nỗi nhớ của mình...

Buổi chiều ơi, đừng lặng thinh

Em sợ!
Sự im lặng lại cồn cào gọi nhớ
Đừng ai đi qua nữa
Tiếng bước chân lại gọi tiếng bước chân

Em đã ngang qua cả một tuần

Không anh!
Một mình em!
Vu vơ giữa mùa mưa đầu tiên...

Có thể nào là cuộc sống của em

Khi em lại xa anh nhiều ngày nữa?
Những tiếng chim ban mai và mỗi buổi chiều nhắc rằng em đang rất nhớ
Anh có nghe thấy không anh?...

(Hà Kim, 2002)