Status

Be happy, my dear!

Monday, October 30, 2006

Bạn online


(Viết tặng Mashi Maro mũ đỏ đẹp trai Image….)

Việc đầu tiên khi về đến căn phòng nhỏ của tôi là bật đèn và sau đó là bật máy tính. Sign in vào YM, nhìn lướt từ trên xuống dưới cái list bạn bè và dường như, một chút vui nho nhỏ len lén chui vào lòng khi thấy nhiều bạn mình đang online…

Thường thì offline messages rất nhiều, bạn bè vẫn hay gửi cho tôi nhiều thứ linh tinh: tin nhắn, link tin tức, tài liệu, thư giãn, truyện cười, tranh ảnh… Hẹn hò nữa! “Chiều nay café nhé?!” – “Uh,…” (mình chắc sắp thành người lê la các quán café mất rồi!).Image

Trong số bạn bè của tôi có một người bạn nhỏ - hắn mà biết mình gọi hắn là người bạn nhỏ chắc cáu lắm, hè hè - biết nhau qua một diễn đàn, đã gặp nhau đôi lần nhưng tôi vẫn thích gọi đó là tình bạn online hơn. Cuộc sống của mỗi người đều không liên quan đến nhau, không ai biết nhà nhau, tôi không còn tham gia các diễn đàn của “nhỏ” nữa, “nhỏ” cũng không học cùng trường hay làm cùng nơi với tôi. Nhưng hầu như ngày nào chúng tôi cũng trò chuyện với nhau, chuyện vặt vãnh có, vớ vẩn có, nghiêm túc có, to tát đại sự cũng có nốt, hi hi… Cũng chẳng hiểu điều gì khiến chúng tôi có thể dông dài lâu la được đến thế. “Nếu chat mà ra tiền nhỉ, bọn mình sẽ giàu to!”. Thi thoảng "nhỏ" lại gửi nhạc, gửi ảnh cho tôi, góp phần biến cái máy tính của tôi thành cái thùng rác đầy ặc những thứ linh tinh trên đời...

Lần đầu tiên gặp "nhỏ" lon ton trên sân đá bóng, suýt nữa tôi lăn ra cười mà phải bấm bụng cố nhịn: trông "nhỏ" gày nhom và bé xíu so với những bài viết có vẻ già dặn, "hoành tráng" của "nhỏ" trên diễn đàn, khuôn mặt mướt mồ hôi, đôi mắt rất sáng và đẹp (hồi đó nhìn lầm thế nào chứ bây giờ nhìn lại thấy... xấu hoắc Image). Lần thứ hai gặp là ngồi quán cafe. Rùi một lần đi chơi BT, một lần ngồi quán trà, thêm một lần ngồi quán cafe nữa... Tính ra mới gặp mặt có 4 lần nhỉ? Gặp mặt thường nói chuyện "nghiêm túc" hơn, tuy nhiên, mức độ "tử tế" là rất rất ít...

Mỗi lần chat chit, nếu không "tỉa tót" thì cũng phải khích bác nhau vài câu. Đầu tiên là do tôi mắc bệnh không nói được với ai câu nào mà không thêm vào đó tí axit chanh (!!!), lâu dần chắc "nhỏ" tức khí, cũng nói lại, thành ra cả hai nói chuyện rất... điêu. Chỉ có những lúc chán nản, tôi chẳng buồn nói khích "nhỏ" nữa, "nhỏ" lại chọc cho tôi cười. Tôi hay kêu ca nhiều hơn "nhỏ" (mắc thêm bệnh buôn than mà! hit hit, tính xấu khó sửa…), những lúc đó “nhỏ” là người duy nhất (phải) kiên nhẫn ngồi nghe tôi ca. Tôi muốn cảm ơn “nhỏ”, cảm ơn đã lắng nghe và động viên tôi Image

Khi người bạn thân nhất rời xa tôi, tôi đã nghĩ rằng mình khó có thể chia sẻ điều gì với một ai nữa. Muốn cảm ơn “nhỏ”, vì “nhỏ” đã làm tôi thay đổi dần suy nghĩ này. Không nhất thiết phải là người ấy, chỉ cần mình mở lòng, luôn có thể chia sẻ...

(Ôi, ngày hôm nay sao mình đáng yêu thế cơ chứ, hì hì hà hà Image…)

Friday, October 20, 2006

Viết cho mình


Ngày 20-10, trong khi dân tình đổ bộ ra ngoài đường để thể hiện "tinh thần phụ nữ bất diệt" thì mình ở nhà và quyết định sẽ dành cả ngày hôm nay cho "Rừng Na Uy"...

Chỉ tại buổi tối hôm qua không hiểu sao dù rất mệt vẫn cố banh mắt ra đọc vài trang truyện, cũng không hẳn là không hiểu sao, mọi chuyện đều có lí do của nó, nhỉ? Quyển truyện này mua lâu rồi nhưng không sao đọc qua nổi 10 trang đầu, cứ đọc tới khoảng trang 8 hay 9 thì lại thấy nó bình thường, không muốn đọc nữa.�Tối qua thì khác, đã vượt qua 10 trang đầu và bị câu chuyện cuốn trôi... Tới hơn 3 giờ sáng gì đó thì ngủ thiếp đi, rồi tỉnh dậy và đi làm, chỉ hóng lên cái đồng hồ mong hết giờ về nhà đọc tiếp...

Đọc một mạch, giờ thì truyện hết rồi...

Muốn dùng nhiều từ để diễn đạt cảm xúc của mình nhưng rồi vẫn không thoát ra được�năm chữ người làm sách đã dùng để miêu tả về nó "nỗi buồn thương trong sáng". Phải, tất cả đều trong sáng và buồn...

Đọc xong thấy trống hoác... Nặng trĩu...

Saturday, October 14, 2006

Ẩn ức...


Ẩn ức là hai từ duy nhất tôi nhớ về cái gọi là “phân tâm học”. Chắc lão tổ của ngành phân tâm học – Freud - sẽ buồn lắm nếu ông có thể sống lại mà nghe được những điều này. Nhưng thôi, xác suất để Freud sống lại bằng 0, mà xác suất để ông ghé thăm cái blog này còn nhỏ hơn nữa, ^.^, vậy nên thú thực là tôi chẳng còn nhớ gì về môn học khổ đau này ngoài cái từ này… Mà cách tôi hiểu “ẩn ức” cũng chẳng có trong bất cứ từ điển nào, ẩn ức – là nỗi ức bị ẩn, thế thôi, ha ha… (Ôi, thầy giáo dạy môn Hán Nôm và môn Từ vựng của mình mà nghe được thì… *_^)

Hôm nay, nỗi ức chế dồn nén trong suốt những ngày qua đã dâng tới đỉnh điểm, tôi đã phải chịu đựng quá nhiều, thần kinh luôn căng lên như một sợi dây đàn để cố giữ cho mình tỉnh táo, tỉnh táo để làm việc và chạy đua với thời gian… Cho đến sáng nay, dây đàn vụt đứt! Bỗng dưng một sự việc ngoài dự kiến xảy ra và cuộc đời tan hoang trong nỗi thất vọng vô cùng. Cũng có thể nói là tôi vui, vui lạ lùng, nhẹ nhõm như người tù khổ sai mệt mỏi bỗng nhiên ngã xuống cỏ xanh mênh mông, mặc kệ đời…

Bạn bè ngạc nhiên kêu lên “bó tay” vì ai cũng nghĩ mình sẽ tức giận, sẽ than thở và làm ầm lên như cần phải thế. Nhưng để làm gì khi không thể vớt lại thời gian trôi qua tay? Ai đã từng mang nặng những ẩn ức dồn nén suốt một thời gian dài chắc cũng như tôi, buông xuôi…

Đại ca gọi đi uống rượu giải sầu, thì rượu. Sáu nàng hùng dũng vào Hồng Hạc tửu lầu (nghe oai !) uống và cười sập cả quán. Có điều, như mọi lần khác, tôi nhận ra mình chưa bao giờ say thực sự, càng uống - buồn càng dài và sâu…

Nhớ chị, tối nay chị đã đi rồi, chị vẫn hay đọc lại câu thơ trong phim: “Rượu đây ta ca hát, đời người được mấy chốc…”. Sao em uống mà không thể quên hở chị ơi?

*

*�� *

����������� Hình như, từ nhỏ tôi đã là người giỏi che giấu nỗi buồn của mình, rất hay khóc thầm và không cười được thành tiếng ngay cả khi vui nhất. Điều gì vậy, điều gì nhỏ nhoi đã đem đi niềm vui của tôi những ngày xưa bé bỏng? Tôi sống gần như khép kín trong thế giới riêng đầy ắp ưu tư trong khi bè bạn nô đùa ngoài kia hồn nhiên tận hưởng một tuổi thơ đích thực. Bố mẹ không biết, tôi không biết tại sao hàng đêm nước mắt cứ lăn dài trong giấc mơ tôi. Tôi xem phim “Hồng lâu mộng” ghét nhất nhân vật Lâm Đại Ngọc vì Đại Ngọc quá yếu đuối, gặp chuyện gì cũng khóc thương; nhưng mà rồi tôi nghiệm thấy mình cũng có cái gì đó không ổn, đôi khi cũng thấy mình đang khóc nỗi sầu thương vô cớ vô duyên. Người ta gọi như thế là “hâm”, có lẽ thế thật!

Sai lầm lớn nhất trong đời tôi là đã học chuyên văn khiến cho cái sự hâm nó càng cao độ (cá nhân nhé, không bóng gió gì các bác yêu văn, học văn và viết văn đâu đấy…). Cấp II: chuyên văn – sai lầm nhỏ; cấp III: đã định sang chuyên Anh mà rồi mẹ khuyên thế nào lại học văn – sai lầm lớn; đại học: vẫn học văn (ngu thế không biết) – sai lầm không thể chấp nhận được; cao học: vẫn tiếp tục ngu, dù đã chuyển sang học Ngôn ngữ… Văn chương làm tôi mệt mỏi và sợ hãi, luôn luôn, tôi cảm thấy nghẹt thở và bị vây hãm bởi thế giới ám ảnh của số phận những kiếp người. Chính vì thế mà tôi thích truyện của Kafka – tràn đầy ám ảnh và nỗi bi quan thống thiết về nhân sinh. Những ẩn ức thuở ấu thơ ùa về siết chặt tâm trí, mong manh, nhưng mãnh liệt, cuốn tôi vào vòng xoáy của suy tư miên man. Có ai đã từng sống trong cảm giác vừa yêu vừa sợ một điều gì đó chưa? Tôi sợ hãi văn chương nhưng chưa bao giờ thoát khỏi vòng vây của nó, mỗi khi trốn chạy thì lại có sợi dây vô hình kéo tôi trở lại. Từ bao giờ, tôi đã buộc mình vào cái sự viết lách (chưa được gọi là văn chương, vì những thứ ngớ ngẩn tôi viết thì văn chương quái gì), vui viết, buồn viết, nghĩ nhiều quá không nói được với ai: viết… Viết là một nhu cầu tự thân của tôi…

����������� Truyện “Hồng lâu mộng” có đoạn nói rằng đời người có một loại người như Bảo Ngọc, như Đại Ngọc… có thiên bẩm nhưng rốt cuộc sẽ chẳng dùng vào đâu, rốt cuộc tự mang cái án phong lưu vận vào mình… (không nhớ nữa, đọc lâu quá rồi). Đoạn này ám ảnh tôi mãi. Được thêm ông thầy dạy môn Văn học Trung Quốc năm thứ nhất đã đe bọn sinh viên chúng tôi là “Đừng làm thiên tài, chỉ làm người giỏi thôi; giữa thiên tài và người điên chỉ cách nhau một sợi tóc!”. Có lẽ ông thầy quá sợ những vụ sinh viên khoa văn giữa trời mưa cứ đứng ôm cột điện mà hát rống lên, hoặc mỗi lúc chiều về lại có kẻ leo lên nóc nhà ký túc rên rỉ “Và từng thu chết, từng thu chết…”, hay giật gân hơn nữa là vụ chàng cầm dao giết người yêu để lại câu nói lưu truyền hậu thế: “ta phải giết nàng để bảo vệ tình yêu của hai ta như Othello giết Desdemona” (kịch “Othello” – W.Shakespeare)… Tôi chẳng say văn đến thế, tôi không có đủ thiên bẩm để mà lo sợ cái án phong lưu, cũng chẳng lo “nghiệp” văn chương vì chưa bao giờ ảo tưởng mình sẽ trở thành một nhà văn; chẳng qua, tôi mệt mỏi với những ám ảnh dày vò mình, mệt mỏi vì phải viết để giải thoát, mệt mỏi vì không sống trọn vẹn như mọi người…

Biết rằng loại người như mình chỉ tự làm đau mình, mà vẫn cứ leo lét cháy một cái “tôi” ngấm ngầm bất trị. “Nhạy cảm quá đôi khi thành nghiệt ngã” đó tôi ơi…

-----------------------------------------------

Hứa rằng đây sẽ là lần cuối cùng tôi “đào bới” chính mình…