Status

Be happy, my dear!

Wednesday, September 23, 2009

Thiền quán - Có nên trở lại?




Một không gian ấm cúng, tiếng sáo dìu dặt, ấm trà thơm được đặt chỉn chu trên khay tre, bên phong bánh đậu xanh ngọt ngào, Thiền quán (365 Nguyễn Khang) có quyền tự hào về nét duyên riêng mà quán mang lại cho người thưởng thức. Tuy nhiên, rời khỏi quán, trong lòng tôi lại có những nỗi “lăn tăn” chẳng đâu vào đâu…


“Thiền quán” – Cái tên mới nghe thôi đã thấy hấp dẫn đối với người trẻ. Thật lạ là trong nhịp sống hối hả thị thành với bao nhiêu trò giải trí ồn ào, người trẻ ngày càng tìm đến nhiều với những quán cà phê hay không gian trà yên tĩnh, thoảng chút gì đó “dân tộc” và cũ xưa. Có lẽ bởi thế nên quán không quảng bá rầm rộ nhưng vẫn có một lượng khách khá ổn
mà đa phần là những người trẻ tuổi.



(Cổng vào - Thiền quán nằm ngay cạnh quán thịt chó Sơn Hải - thật là một sự sắp xếp tài tình, dung hòa giữa thựcđạo)

Bản thân Thiền quán cũng do những người trẻ lập nên và dường như ý vị tôn giáo có phần khá mờ nhạt tại đây. Ngày nay người ta hiểu “Thiền” đơn giản là một cách lắng lại tâm hồn, sống chậm và thư thái trong phút chốc. Điều này chi phối khá rõ rệt đến phong cách của quán, từ bài trí cho tới đồ uống và cách phục vụ. Chỉ có điều, ý tưởng hay chưa chắc đã được thể hiện tốt và một vài “cái gợn” của quán khiến tôi sẽ phải cân nhắc nếu muốn quay lại quán lần thứ hai.

Gợn 1: Quán
Thiền hay là Quán nhạc Trịnh?
Chủ đề của quán thực sự không rõ ràng và tách bạch lắm giữa ý tưởng Thiền quán và việc sử dụng nhạc Trịnh làm nền nhạc chủ đạo. Theo bài giới thiệu trên Tạp chí Món ngon: “Nghe nhạc Trịnh và thưởng thức cà phê trong không gian yên tĩnh giờ cũng được coi là cái thú của nhiều người… “Thiền Quán” xuất hiện cũng từ nhu cầu đó.” Ngoài ra, vào các buổi tối thứ 7 cũng có biểu diễn nhạc Trịnh (mới đây có thêm chương trình biểu diễn guitar và sáo vào tối thứ 5 hàng tuần). Tuy nhiên, theo chủ quán (và cũng theo tên quán mà suy), Thiền và Thư pháp Thiền mới là linh hồn của quán, là cái được thể nghiệm và sẻ chia ở quán này. Cũng có thể, người ta tìm thấy trong nhạc Trịnh chút ý vị của Thiền, nhưng sự nhập nhằng giữa hai thứ khiến không có thứ nào nổi trội và bỗng dưng chủ đề Thiền trở thành “nửa mùa”. Tôi cũng băn khoăn không hiểu khách đến quán vì nhạc Trịnh hay vì những bức thư pháp mơ hồ treo khắp tường?! Bản thân tôi vẫn cho rằng, trước hết và trên hết, nhạc Trịnh là âm thanh của cuộc sống hiện tại, dù cho nó là chiêm nghiệm hay triết lý bằng âm nhạc thì vẫn ấm áp hơi thở cuộc sống và khao khát yêu đời, yêu người; còn Thiền – xa vời và mơ hồ lắm, nó đã thoát khỏi cuộc sống này rồi.



Gợn 2: Thư pháp Thiền là cái này ư?
Tôi không có may mắn được chứng kiến buổi ra mắt của Thiền quán đồng thời là buổi trình diễn thư pháp Thiền (Zen Calligraphy) của hai thành viên nhóm Thư pháp tiền vệ: Thiền Phong Phạm Văn Tuấn, Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương, nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông - đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế, tôi không “cảm” nổi những bức thư pháp viết bằng mực Tàu đen trên nền giấy trắng treo rất nhiều quanh quán. Tôi “săm soi” chúng bằng con mắt của một kẻ thường dân mù nghệ thuật và dù có cố công cách nào, cũng không nhìn ra chất “nghệ thuật” hay “triết lý” chứa đựng trong đó. Chúng giống như những vết mực tình cờ mà trẻ con bôi bẩn ra giấy, không hơn. Có thể các nghệ sĩ gia có con mắt nhìn xuyên thấu cái hữu hình để ra cái vô hình, chứ tôi (và tôi tin là đa phần khách đến quán đều giống mình) chỉ thấy chúng lạ, mà không đẹp, không hay. Thay vào đó, sự xuất hiện dày đặc của chúng trong quán khiến chúng trở nên buồn tẻ và nhàm chán.



Gợn 3: Nhà thì đẹp mà sao… ẩm quá?!

Công bằng mà nói, không gian của Thiền quán rất đẹp và ấm cúng với ngôi nhà 3 gian và hai nhà phụ, sân gạch, bể nước, khiến bạn có cảm giác như được “về quê” ngay giữa phố phường. Ánh sáng đèn vừa đủ, kiểu bàn trà nho nhỏ, nệm cói, xen lẫn với cả những chiếc ghế cao ngoài sân giúp bạn thoải mái lựa chọn vị trí phù hợp với mình. Tiếc là sự thoải mái ấy không thật “thoải mái” lắm vì nếu ngồi trong nhà, bạn khó có thể dựa lưng vào tường như nhiều quán khác vì… ẩm quá. Những mảng tường vôi cũ kỹ, bong tróc chắc hẳn được giữ nguyên trạng để tăng thêm vẻ cổ kính cho quán, nhưng khi hơi ẩm xông lên “ngào ngạt” thì tôi chẳng còn tĩnh tâm được chút nào nữa mà chỉ muốn đứng dậy ra về.



(Nhìn từ trong nhà ra ngoài sân - Rất tiếc là ảnh mờ và tối vì máy ảnh ghẻ)

Gợn 4: Mc nói “nhảm”

Tôi đến quán đúng vào tối thứ 5, có biểu diễn sáo, guitar và người chơi guitar cũng kiêm luôn vai trò MC và ca sĩ. Chủ đề buổi nhạc hôm đó là Hà Nội. Anh chàng thổi sáo chơi rất hay còn guitar thì có phần kém hơn. Ban đầu, chúng tôi dành nhiều thiện cảm cho người chơi guitar vì nghe nói đó là một người khiếm thị (chúng tôi ngồi góc trong nhà nên không nhìn rõ mặt). Tuy nhiên, mỗi khi đến đoạn anh chàng làm MC thì thật là… Nghe chất giọng, đoán đó là một người nhiệt tình, yêu Hà Nội lắm lắm nhưng mà dẫn về Hà Nội thì thấy anh chàng “cho thuyền ra khơi tít tận xa, không thấy nẻo về”, thậm chí chẳng hiểu thế nào mà lời dẫn lạc tới tận… miền Tây Nam Bộ và mũi Cà Mau. Cao hứng, anh chàng còn trích cả bài thơ “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy với lời bình tự tin: “Chúng ta đều biết bài thơ “Tre Xanh” của nhà thơ… Khương Duy”! Túm lại là mỗi lần chàng nói là một tràng ý tứ lủng củng, lộn xộn, không ăn nhập gì với nhau tuôn trào, còn tôi thì dám cá rằng ít nhất 50% số người nghe đang nghĩ thầm: “Thà đừng dẫn còn hơn…”.



(Nhìn từ ngoài sân vào gian chính - hai chàng nhạc công chơi đàn và thổi sáo trên hiên nhà)

Ngoài ra, còn một cái gợn nho nhỏ là giá đồ uống ở đây không rẻ mà lại không ngon lắm. Trà uống nước đầu còn tạm, tới nước hai nhạt hoét. Nhưng thôi, đòi hỏi quá nhiều cho một quán cà phê thì những quán khác… ế mất. Nếu tạm bằng lòng đến quán vào ban ngày – mùa hè, có lẽ sẽ tránh được hơi ẩm, chàng MC ham nói và chấp nhận được vị trà nhạt như… trà đá. Biết đâu đấy, khi tôi đã “ngộ” được một triết lý Thiền nào đó, tôi sẽ quay trở lại?!



(Thư pháp trên lối vào Thiền quán)

(Một tối tháng 9/2009)

Saturday, September 05, 2009

3 cuốn truyện dành cho người chưa lớn

Lâu lắm rồi mới lại mê mải đọc sách như thời còn rong chơi và mộng mơ. Giờ đây cái sự rong chơi của mình đã chấm dứt nhưng mộng mơ thì vẫn còn đầy, nên vô tình mình đã nhặt ra trong đống sách trên Đinh Lễ mấy cuốn “phù hợp với lứa tuổi” của những người chưa lớn! Ba cuốn truyện tuần này bao gồm “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” và “Oxford thương yêu”.

1. “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của Luis Sepúlveda


Thoạt tiên, cuốn này được chọn vì nó được ca ngợi ác quá, ai ai cũng bảo mình “hay lắm, đọc đi, đọc ngay đi”, và ngẫu nhiên trong một lần ngủ-trưa-nhưng-chưa-buồn-ngủ, sẵn thấy cuốn sách trên bàn, mình với tay đọc luôn. Đọc xong chỉ nghĩ được mỗi một điều: Sau này có con, nhất định mình phải cho nó đọc “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”.
Bởi vì đó là một câu chuyện trong sáng và cảm động hết mực, nói như mấy bài quảng cáo sách là “thấm đẫm tính nhân văn và giáo dục sâu sắc” mà không hề khô khan, triết lý. Thông qua những nhân vật đáng yêu như mèo đen ú Zobra, mèo Đại tá, mèo Giáo sư, mèo Bốn Biển, Hải âu, Đười ơi…, trẻ em sẽ nhận ra những bài học quan trọng trong cuộc số
ng như tình thương, tôn trọng sự khác biệt, khát vọng vươn lên, ý chí tự lực, giữ lời hứa và cả vấn đề… bảo vệ môi trường.
Và điều quan trọng nhất mà cuốn sách sẽ dạy cho trẻ nhỏ đó là tôn trọng sự khác biệt và yêu thương ai đó khác mình. Như mèo ú Zobra đã nói với Hải âu: “Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn...”. Điều đó, chính chúng ta – con người – đôi khi vẫn chưa làm được!

2. “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của Henryk Sienkiewicz

Có lẽ không cần giới thiệu nhiều vì tác phẩm này quá nổi tiếng với đông đảo người Việt Nam. Rất nhiều người đã say mê cuốn truyện từ thời học cấp II và lúc nào cũng coi đó là “một vé đi tuổi thơ”. Tiếc là cái thời ấu thơ mình chưa có dịp xài tấm vé này nên bây giờ phải quay ngược thời gian, tuy nhiên, cảm xúc mà truyện mang lại thì vẫn dào dạt trong tim mình, không khác gì một cô bé 15 tuổi.
Truyện kể về một cậu bé Ba Lan 14 tuổi tên là Xtas Tarcốpxki và cô bé người Anh 8 tuổi Nen Rôlixơn cùng hai người bạn nhỏ châu Phi là Cali và Mêa đã “băng qua gần khắp miền Đông Phi trong cuộc hành trình đầy gian lao, chịu đựng cái nắng bỏng rát của mặt trời xích đạo, những cơn bão cát điên cuồng trên sa mạc, thao thức những đêm trường khủng khiếp trong vòng vây thú dữ, gió mưa bệnh tật, khát cháy cổ giữa rừng thẳm không vết chân người”. Giữa khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt ấy, trong một thời kỳ lịch sử biến động dữ dội của Sudan, các nhân vật nhỏ tuổi đã dần dà học được cách tồn tại, chống chịu và vượt qua không biết bao nhiêu hiểm nguy suốt cuộc hành trình. Gấp sách lại, ta vẫn còn bừng bừng cảm giác ngưỡng mộ vị anh hùng t
hiếu niên Xtas, yêu mến cô bé Nen và bật cười trước những lời nói ngây thơ chân tình của Cali. Và có thể, bạn cũng sẽ mất ngủ mấy đêm để cố hình dung những vòm ánh sáng kỳ ảo trên sa mạc, tiếng sư thử gào thét giữa rừng già hay những cảnh săn linh dương trên đồng cỏ khô…
Hai trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất của việc đọc sách, đó là được thỏa trí tưởng tượng và hướng tới cái Đẹp. Xét về những mặt này, cuốn sách thực sự rất đủ đầy. Dễ hiểu vì sao câu chuyện đẹp như một thiên anh hùng ca nhuốm màu cổ tích về sự dũng cảm, ý chí, nghị lực con người cũng như những tình cảm trìu mến, trong sáng của trẻ thơ này lại được nhiều người nhớ và yêu đến thế.

3. “Oxford thương yêu” của Dương Thụy
Sau hai cuốn sách dành cho thiếu nhi nêu trên, “Oxford thương yêu” có phần “lạc điệu” vì nó dành cho lứa tuổi “già” hơn teen một chút. Cuốn này nghe đâu cũng rình rang lâu rồi, nhưng mình vốn dĩ toàn đọc sách khi nó đã “lỗi mốt” nên cảm xúc vẫn còn mới tinh.

Tóm lại thì truyện này cũng hao hao giống cổ tích dành cho tuổi hơi hơi lớn, nói về một cô gái người Việt giỏi giang, cá tính sang học tại Oxford, phải đương đầu với bao khó khăn và đã không thể vượt qua nếu không có sự xuất hiện của một “anh-thầy” nghiêm khắc, lạnh lùng; kết thúc có hậu là chàng và nàng đều học hành xuất sắc, kiếm được công việc ngon lành, yêu nhau thắm thiết, sau 4 năm thì làm đám cưới rồi về Việt Nam “cống hiến” và chờ đợi một baby sắp chào đời. Nói cách khác thì truyện này “sến một cục”!
Nhưng nếu ai đó có ý định đọc nó như một “món súp cho tâm hồn” thì cũng hay. Ở chỗ: truyện sẽ đưa bạn đi du lịch tâm tưởng đến nhiều thành phố châu Âu như Oxford, London, Birmingham, Lisbon, đặc biệt là những đoạn tả cảnh Oxford thì “mê ly con chim ri”; truyện cũng sẽ phác họa một vài chân dung người Việt, mỗi người một quan niệm, tính cách khác nhau nhưng đều rất Việt Nam như Kim, bố mẹ Kim, Thụy Vũ, Thúy Hà, Vivi Le…; bạn cũng có thể bay bổng với tình yêu lãng mạn của đôi nhân vật chính và cười lăn cười bò với những màn đấu khẩu của cặp này (rất hữu dụng nếu muốn ứng dụng trong khi cãi nhau với bồ)… Truyện rất phù hợp với những người trẻ đang nuôi “giấc mộng Oxford” (hay là Harvard, hay là đại loại thế), những người cần “giắt lưng” vài kinh nghiệm sống và cả niềm tin lãng mạn vào một ngày nào đó không xa, trên nước Anh…!