Status

Be happy, my dear!

Sunday, December 27, 2009

“Giết con chim nhại” – Sách đáng đọc trong một đêm

Chẳng có gì là xa xỉ khi thi thoảng dành trọn một đêm cho một cuốn sách hay, nhưng có lẽ phải mấy năm rồi, kể từ khi tôi ra trường và chấm dứt thời kỳ “đọc sách là một phần tất yếu của cuộc sống”, mới lại có một cuốn sách khiến tôi dẹp bỏ mọi cám dỗ - kể cả kỷ niệm ngày sinh nhật - để ngấu nghiến đọc như “Giết con chim nhại” của Harper Lee.

Khi chị tặng nó cho tôi, chị nói: “Đây là cuốn sách mà bất cứ ai làm về giáo dục cũng cần đọc”. Nhưng giờ thì tôi không nghĩ thế, đó là cuốn sách mà bất cứ ai có lương tri cũng cần đọc. Nói theo ngôn ngữ giật tít bây giờ, cuốn sách đó có thể là “cú đánh thức tỉnh lương tri” của con người khi chứng kiến Scout - một cô bé mới tám tuổi và anh trai Jem (12 tuổi) đã nhận thức về cái xấu trong cuộc sống và vượt qua nó như thế nào. Không chỉ là chuyện của hai đứa trẻ, người lớn cũng cần đọc để biết mình có thể (một lúc nào đó) đã giết chết con chim nhại trong tâm hồn mình.
Truyện không có nhiều tình tiết, tất cả diễn ra chỉ để lý giải cho cái chi tiết hờ hững treo ở đầu sách: tại sao Jem bị gãy tay?. Bắt đầu từ một mùa hè khi hai Scout và Jem còn nhỏ, cùng với Dill - cậu nhóc mới quen, tò mò tìm hiểu về ngôi nhà bí ẩn với người hàng xóm không bao giờ lộ mặt; những trò chơi nghịch ngợm của các em dần dần khiến các em nhận ra nhiều điều, nhất là Scout, cô bé thông minh, bướng bỉnh và rất ghét bị mang tiếng giống con gái đã nhận thấy những rạn nứt trong niềm tin của các em khi những chuyện phi nhân xảy ra. Trái tim của Scout và Jem đã có lúc tưởng như tan vỡ vì cả xã hội chống lại bố Atticus mà các em vô cùng yêu quý và vì Scout nhận ra cô giáo em có thể căm ghét Hitler tột độ nhưng lại phỉ báng không thương tiếc một người da màu. Thế giới công bằng của cái Tốt trong trí óc thơ ngây của Jem và Scout bị lung lay. Jem bước vào thời kì khủng hoảng và đổ vỡ của tuổi mới lớn. Thế nhưng, bố Atticus trìu mến và nhiều người tốt khác đã ở bên cạnh Scout và Jem, giúp các em định hướng được cách nhìn nhận cuộc đời và con người. Cuối truyện, cô bé Scout tám tuổi tự nhận rằng “tôi cảm thấy mình rất già", “tôi nghĩ Jem và tôi sẽ lớn lên nhưng không còn nhiều điều gì cho chúng tôi học, có lẽ trừ môn đại số”. Có lẽ, bởi vì các em đã học đủ, điều quan trọng nhất là cách nhìn nhận con người.
Hình ảnh con chim nhại trong tác phẩm ban đầu có vẻ khó hiểu, nhưng rồi đã sáng tỏ với tư cách một biểu tượng cho trái tim nhiệt thành và tâm hồn trong sáng, nó “chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó”. Giết con chim nhại, chính là hủy hoại cái tốt trong chính mỗi con người và hủy hoại cả xã hội.
Để hiểu rõ hơn toàn bộ ý nghĩa sâu xa của cuốn tiểu thuyết đã đạt vô số giải thưởng danh giá này, bạn nên đọc phần lời bạt “Một thế giới nhân bản hơn cho trẻ em” của dịch giả Phạm Viêm Phương. Bởi xoay quanh câu chuyện về những đổi thay tâm lý của hai đứa trẻ, cuốn sách còn đề cập sâu sắc đến vấn đề phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ những năm 60 của thế kỷ trước, những thành kiến khác của con người vốn là cội rễ của thói đạo đức giả và bất công xã hội và cả vấn đề về phương pháp giáo dục không đếm xỉa gì đến cảm nghĩ của trẻ em. Tất cả những vấn đề ấy được thể hiện bằng một giọng văn sắc sảo, khúc chiết và giàu tính ẩn dụ, cùng những đoạn đối thoại rất “trí tuệ” giữa các nhân vật.
Nếu bạn “vượt qua” được 70 trang đầu có vẻ khô khan của truyện, chắc chắn bạn cũng sẽ dễ dàng bị cuốn hút mà đọc một mạch 400 trang còn lại như tôi.

1 Comment:

The Tech Landscape said...

Minh dang doc toi chuong thu 8