Status

Be happy, my dear!

Friday, March 27, 2009

Chân dung "người mẹ" của Harry Potter


Bạn biết gì về J.K. Rowling – người đã tạo ra thế giới kỳ diệu của Harry Potter? Hãy cùng tìm hiểu về một trong những nhà văn được yêu thích nhất trên thế giới với những chi tiết thú vị về cuộc đời và bộ truyện nổi tiếng của bà.

Trí tưởng tượng tuyệt vời của một nhà văn
Joanne Rowling (thường gọi là “Jo”) sinh ngày 31/71965 tại thị trấn Yate, gần thành phố Bristol, nước Anh. Jo có một em gái thường gọi là “Di”. Ngoại trừ những lúc hai chị em chành chọe, Jo thường nghĩ ra rất nhiều chuyện để kể cho Di nghe và giành quyền “phân vai” những khi hai chị em chơi trò diễn kịch. Cả hai cũng rất mê những chú thỏ và Jo đã thuyết phục cha mẹ cho mình nuôi một con bằng cách viết truyện ngắn đầu tiên có tên là Con thỏ (Rabbit) khi mới lên 6 tuổi.
Khi bắt đầu đi học, Rowling rất thích đến trường vì ở đó cô bé được làm đồ gốm, vẽ tranh hay sáng tác truyện. Sau đó cả gia đình chuyển đến Tutshill, một thị trấn nhỏ bên ngoài Chepstow ở Wales và Jo học tại trường phổ thông Wyedean. Rowling tự miêu tả mình là “một cô bé nhút nhát, mặt tàn nhang và không có năng khiếu thể thao nhưng rất yêu văn học”. Sau này, nhà văn cũng hé lộ: nhân vật Hermione trong truyện Harry Potter vốn dựa trên hình ảnh của chính Jo hồi còn học phổ thông và nhà văn Jessica Mitford (Anh) là người đầu tiên có ảnh hưởng lớn tới bà.
Sau khi tốt nghiệp ngành tiếng Pháp và Cổ văn tại Đại học Exeter, công việc đầu tiên của Rowling là làm thư ký tại Tổ chức Ân xá Quốc tế. Đó không phải là một công việc mà Jo mơ ước, nhưng nó đã tạo điều kiện cho bà sử dụng máy vi tính để ghi lại những câu chuyện của mình trong giờ nghỉ. Tuy nhiên, thói lơ đãng và niềm đam mê quá mức với những câu chuyện tưởng tượng khiến nhà văn không ít lần gặp rắc rối. Rowling kể lại: "Tôi chẳng bao giờ chịu tập trung vào các cuộc họp vì mải ghi ra lề giấy những mẩu truyện vừa nghĩ ra hoặc mải mê nghĩ cách đặt tên cho các nhân vật của mình”.

Harry Potter đã ra đời như thế nào?
Trong một lần bị kẹt suốt 4 tiếng đồng hồ trên chuyến tàu từ Manchester về London, trong khi phần lớn hành khách đều chợp mắt vì mệt mỏi thì Rowling chợt nảy ra ý nghĩ viết truyện về một chú bé phù thủy. Lúc ấy, Rowling không hề có một cây bút nào trong tay và mọi chi tiết về cậu bé cứ sôi sục trong trí tưởng tượng của bà. Và rồi, hình ảnh một cậu bé đeo kính, gày gò, tóc đen, người không hề biết rằng mình là phù thủy dần hiện ra rõ nét và ngày càng trở nên chân thực trưuớc mắt Rowling. Về tới nhà, ngay buổi tối hôm đó, bà bắt tay vào viết tập đầu tiên của bộ truyện Harry Potter.
Những trang viết đầu tiên không hề giống với những gì được viết trong cuốn truyện hoàn thành sau này. Cái chết của người mẹ yêu quý của nhà văn vào cuối tháng 12/1990 đã thay đổi cả thế giới của Rowling và Harry Potter. Quá đau lòng trước sự mất mát này, Rowling đã chuyển đến Bồ Đào Nha, mang theo tập bản thảo còn dở dang. Vừa dạy học, bà vừa gấp rút hoàn thành cuốn truyện. Rất nhiều chi tiết đã được thay đổi so với bản thảo ban đầu, trong đó, những dòng miêu tả cảm xúc của nhân vật Harry về cái chết của ba mẹ đã trở nên sâu sắc và chân thật hơn. Chính tình cảm của nhà văn dành cho người mẹ đã mất đã giúp bà viết nên những trang đầy xúc động của chương “Tấm gương ảo ảnh” trong tập 1, khi Harry gặp lại ba mẹ và tất cả thành viên của gia đình Potter.
Sau khi ly hôn người chồng đầu tiên (Jorge Arantes) năm 1993, Rowling quay về Anh và dạy tiếng Pháp ở Endinburgh. Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn của bà khi phải vật lộn kiếm sống, nuôi cô con gái nhỏ Jessica và tiếp tục viết truyện. Rowling đã gạt ngay ý định tiếp tục dạy học khi nhận ra rằng việc dạy học và chăm con sẽ khiến bà không còn chút thời gian rảnh rỗi nào dành cho cuốn sách của mình. Sống dựa vào trợ cấp xã hội, Rowling miệt mài viết Harry Potter trong các quán cà phê. Nicolson, ông chủ quán cà phê mà Rowling yêu thích cho phép bà ngồi ở quán cả ngày với một cốc espresso và một ly nước lọc, bên cạnh là chiếc xe đẩy và cô bé Jessica đang ngủ ngon lành.
Cuối năm 1994, Rowling hoàn thành cuốn truyện đầu tiên Harry Potter và Hòn đá phù thủy. Tuy nhiên, vì không có đủ tiền để thuê đánh máy và in bản thảo, bà phải mất thêm gần một năm để gõ lại toàn bộ câu chuyện bằng một cái máy đánh chữ cũ kỹ do Hội đồng Nghệ thuật Soctland hỗ trợ.

Một kiệt tác bị từ chối 12 lần
Thật khó có thể tin rằng, Harry Potter – bộ truyện đứng đầu danh sách những cuốn sách văn học thiếu nhi bán chạy nhất – lại từng trải qua một hành trình gian nan trước khi đến được tay các độc giả nhỏ tuổi. Thế nhưng, đó lại là sự thực. Sau khi hoàn thành tập 1, Rowling gửi ba chương đầu đến cho một người đại diện nhưng ông này đã ngay lập tức gửi trả lại cho nhà văn. Người đại diện thứ hai cũng từ chối câu chuyện sau khi đã đọc toàn bộ bản thảo. Không nản chí, Rowling tiếp tục tìm kiếm người đại diện mới và với cuốn danh bạ trong tay, bà đã chọn cái tên Christopher Little vì thích thú với âm thanh của cái tên này.
Thông qua Christopher, phải mất thêm một năm nữa, sau khi đã hồi hộp hy vọng và thất vọng vì bị 12 nhà xuất bản từ chối, Rowling mới tìm được một nhà xuất bản nhỏ lúc bấy giờ là Bloomsbury đồng ý xuất bản Harry Potter. Biên tập viên Barry Cunningham – người chấp nhận bản thảo – kể lại rằng ông không hề biết trước đó có nhiều người đã không thèm cầm tới cuốn truyện và ông đã đọc nó một cách say sưa.
Một vài tháng sau, cuốn truyện đầu tiên trong bộ Harry Potter của Rowling bắt đầu được phát hành ở Anh và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Trước khi đến với độc giả Việt Nam qua bản dịch của nhà văn Lý Lan, Harry Potter đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng ở nhiều nước khác nhau và ở bất cứ nơi đâu, câu chuyện về chú bé phù thủy Harry cũng được trẻ em nồng nhiệt đón nhận.

Cơn sốt Harry Potter trên toàn cầu
Tháng 6/1997, NXB Bloomsbury chỉ dám in thử lần đầu 1.000 bản Harry Potter và Hòn đá phù thủy, phân nửa số đó cung cấp cho các thư viện Anh. Ngày nay, các bản in đầu tiên ấy được xếp vào loại sách hiếm và mỗi cuốn trị giá từ 16.000 tới 25.000 bảng Anh.
Sau đó, trong buổi đấu giá bản quyền xuất bản Harry Potter ở Mỹ, công ty Scholastic Inc. đã thắng với cái giá trả cho J.K. Rowling là hơn 100.000 USD.
Năm 1998, Harry Potter và Hòn đá phù thủy được xuất bản tại Mỹ và thành công vang dội. Rowling tiếp tục hoàn thành 6 tập còn lại trong bộ truyện, mỗi tập tương ứng với một năm học của Harry Potter tại trường dạy nghề phù thủy. Cả 6 tập đều phá kỷ lục về sách bán chạy và được hàng triệu trẻ em say mê đón đọc. Chỉ tính riêng ấn bản đầu tiên của tập cuối cùng Harry Potter và Bảo bối tử thần đã bán được 10,8 triệu bản – một con số khổng lồ so với số lượng 1000 bản khiêm tốn ban đầu.
Đến nay, bộ truyện Harry Potter đã tiêu thụ được hơn 400 triệu bản, dịch ra 67 thứ tiếng và được dựng thành nhiều tập phim ăn khách. Có thể nói, Harry Potter đã tạo nên một cơn sốt tại bất cứ nơi đâu nó đi qua và tạo ra một cuộc cách mạng trong văn hóa đọc của thiếu nhi ở nhiều nước trên thế giới. Không những thế, nhiều sản phẩm văn hóa khác như trò chơi vi tính, âm nhạc… cũng được sản xuất dựa trên câu chuyện này.
Thành công của Harry Potter đã trở thành một hiện tượng trong ngành xuất bản. Chỉ trong vòng 10 năm, bộ truyện này đã biến Rowling từ một bà mẹ nghèo trở thành một trong những nhà văn giàu có nhất trong lịch sử với tổng tài sản trị giá tương đương hơn 1 tỉ đô la (theo Tạp chí Forbes, tháng 2/2004).
Với sự giàu có và nổi tiếng hiện nay của nhà văn Rowling, người ta vẫn thường nhắc đến một câu chuyện thú vị của biên tập viên Barry Cunningham. Vào năm 1996, sau khi trả tiền nhuận bút cho cuốn truyện đầu tiên, ông đã khuyên Rowling nên tìm một công việc thực sự vì cho rằng “Bà sẽ chẳng bao giờ kiếm được đồng nào nhờ viết sách thiếu nhi”. Thật may mắn vì Rowling đã không từ bỏ niềm đam mê của mình và tiếp tục sáng tạo để mở rộng cánh cửa vào thế giới tưởng tượng cho trẻ em trên toàn thế giới.

Bộ sưu tập giải thưởng
Tháng 11/1997: Tập 1 (Harry Potter và Hòn đá phù thủy) đoạt giải thưởng Smarties hằng năm của Netstlé dành riêng cho sách thiếu nhi của Anh.
Tập truyện này cũng đoạt giải thưởng British Book Award của Anh dành cho Sách thiếu nhi trong năm (Children’s Book of the Year) vào tháng 2/1998. Sau đó nhận thêm danh hiệu Giải thưởng Sách thiếu nhi (The Children’s Book Award).
Tháng 12/1999: Tập 3 (Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban) lại đoạt giải thưởng Smarties lần nữa. Sau đó Rowling rút tên tập 4 ra khỏi danh sách đề cử tranh giải để nhường cơ hội cho các tác phẩm khác.
Tháng 1/2000: Tập 3 đoạt giải thưởng Sách thiếu nhi trong năm của Whitbread (The Whitbread Children’s Book of the Year).
Tháng 6/2000: Rowling vinh dự nhận huân chương “Officer of the Order of the British Empire” của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Đây là phần thưởng trao tặng cho những công dân Anh có thành tích xuất sắc trong việc phát triển cộng đồng và xã hội. Từ đấy, tên của bà được vinh dự viết là: J.K. Rowling, OBE.
Ngoài ra, năm 2006, nhà văn còn nhận được hai vinh dự lớn lao khác: tiểu hành tinh số 43844 được đặt tên là Rowling và một giống khủng long ở bang Nam Dakota (Mỹ) được đặt tên là Dracorex Hogwartsia để tôn vinh tác phẩm của bà (Hogwarts là trường dạy nghề phù thủy cho cậu bé Harry Potter).

*
Ngày 4/12/2008, Rowling vừa phát hành cuốn sách mới The Tales of Beedle the Bard (Những chuyện kể của Beedle - Người hát rong). Cuốn truyện này tiếp tục có tên trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2008 với hơn 2,6 triệu bản được tiêu thụ trên toàn thế giới chỉ sau hai tuần phát hành và bổ sung thêm 4,2 triệu bảng (tương đương 6,5 triệu đôla) cho hoạt động từ thiện của nhà văn.
Thành công của J.K. Rowling không chỉ đem lại những cuốn sách hay cho cả người lớn và trẻ em mà còn khích lệ chúng ta biết nuôi dưỡng trí tưởng tượng, giữ gìn lòng đam mê và kiên trì theo đuổi con đường của chính mình.

Hà Kim (tổng hợp từ Internet/ Văn học tuổi trẻ 3/2009)
Ảnh: Topnews

0 Comment: