Status

Be happy, my dear!

Friday, March 27, 2009

Thương mại hóa hay tàn lụi?

Nghề thủ công truyền thống Trung Quốc: Thương mại hóa hay tàn lụi?

Đầu thế kỷ XVI, tranh Tết khắc gỗ từng là một nghề thủ công truyền thống đem lại thu nhập ổn định ở huyện Phong Tiên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Vào những năm 1970 và 1980, hàng trăm gia đình địa phương đã làm và bán các mộc bản cho đến khi công nghệ in offset đánh bại họ trên thị trường vào thập niên 90. Giờ đây, hàng loạt ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác của Trung Quốc cũng đang vật lộn để tìm chỗ đứng trên thị trường.
Tại Phong Tiên, hiện chỉ còn duy nhất gia đình của nghệ nhân dân gian Thái Lệ Bình tiếp tục nghề làm tranh Tết khắc gỗ. Ông Thái cho biết: “Chúng tôi không thể cạnh tranh với các nhà in công nghiệp. Máy móc của họ có thể in nhiều bản hơn với giá thành thấp hơn. Các bản in thủ công thường công phu hơn rất nhiều nhưng khách hàng không quan tâm – miễn là họ có tranh Tết để treo tường”.

Năm 1996, ông Thái đã được trao tặng các danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Unessco và Hội Văn nghệ Dân gian Trung Quốc vì những đóng góp trong nghề làm tranh khắc gỗ Phong Tiên. Mặc dù từng nhận được vô số lời ngợi ca trong những buổi triển lãm tại Men-bơn, Pa-ri và các trường đại học ở Đại lục nhưng nghề làm tranh khắc Phong Tiên đang lâm vào tình thế nan giải khi danh tiếng bên ngoài không thể thôi thúc lòng nhiệt tình của người dân địa phương. Ông Thái có 10 thợ học việc nhưng họ chỉ đến vào cuối tuần. Phần lớn thanh niên địa phương chẳng còn mặn mà gì với việc học nghề tranh truyền thống và họ không coi đó là kế sinh nhai. Một số người yêu tranh khắc gỗ từ Hồ Bắc, Tứ Xuyên và những vùng khác của Trung Quốc đã tìm đến ông để học nghề. Tuy nhiên, ông Thái không thể chu cấp cho họ lâu dài bởi công việc kinh doanh không thuận lợi và bản thân ông cũng chưa biết sẽ phải xoay sở ra sao để gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.


Nghề làm tranh khắc gỗ chỉ là một trong số rất nhiều ngành nghề truyền thống Trung Quốc đang bị mai một và đứng trước câu hỏi: thương mại hóa hay phá sản? Ông Áp-đu-ra-rắc, 61 tuổi ở vùng tây bắc khu tự trị Tân Cương là người chuyên làm các nhạc cụ dân tộc Duy Ngô Nhĩ và bán trên các đường phố tại thủ phủ Urumqi. Đây là thị trường lớn duy nhất trong vùng, thu hút nhiều nghệ nhân đến đây làm ăn sinh sống, thậm chí có người đến từ vùng Kashi, cách đó 1500 km. Cũng như nhiều nghệ nhân khác, Áp-đu-ra-rắc hy vọng chính phủ sẽ hỗ trợ họ mở hiệu kinh doanh, thậm chí thành lập một trung tâm đào tạo để truyền dạy những kĩ thuật làm nhạc cụ này.
Trước tình hình trên, chính phủ Trung Quốc đã triển khai một số biện pháp nhằm bảo vệ và vực dậy các ngành nghề truyền thống. Mới đây, Bộ Văn hóa Trung Quốc, Ủy ban cải cách và phát triển nhà nước, chính quyền thành phố Bắc Kinh và 14 tổ chức khác đã tổ chức triển lãm lớn nhất từ trước tới nay về các di sản văn hóa phi vật thể ở Bắc Kinh.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc Chu Hà Bình khẳng định triển lãm sẽ tôn vinh nền văn hóa truyền thống đa dạng và sâu sắc của Trung Quốc, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa. Theo ông, Chính phủ Trung Quốc cũng đang xem xét các biện pháp “bảo vệ nguồn lợi” nhằm giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể song song với việc khai thác tiềm năng thị trường của chúng.
Trong số rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang bị đe dọa, tranh cuộn thangka (một loại tranh gắn liền với Phật giáo) của Tây Tạng có thể được xem là một ví dụ khả quan. Nhờ vẽ và bán tranh thangka, nghệ nhân Ny-ang-bon ở khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải, kiếm được hơn 200.000 tệ (khoảng 29.400 đôla Mỹ) mỗi năm.

Ny-ang-bon và 3 nghệ nhân khác đã dành khoảng 4 triệu tệ để thành lập một trung tâm vẽ tranh thangka nhằm truyền bá nghề này. Hiện có hơn 80 thợ học việc từ khắp nơi đang theo học miễn phí tại đây. Chính quyền địa phương cũng đã thành lập một trung tâm đào tạo cho khoảng 1000 họa sỹ thangka, đồng thời thúc đẩy việc quảng bá, nâng cao nhận thức về giá trị của thangka và khuyến khích các nhà sưu tập tranh. Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc và giá trị văn hóa phong phú trong nghệ thuật thangka là hai lý do chính giúp cho nghề này phát triển phổ biến như ngày nay. Các nghệ nhân đang trở nên giàu có, nhưng điều quan trọng nhất là kĩ thuật vẽ tranh thangka được bảo tồn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, để áp dụng một chính sách bảo vệ nguồn lợi, cần phải cân nhắc cẩn thận về cái gì có thể thương mại hóa và cái gì không. Những di sản văn hóa phi vật thể như các phong tục cổ truyền và lễ nghi tôn giáo không phù hợp với việc bảo vệ nguồn lợi. Do đó không thể thương mại hóa hay nhân rộng các di sản văn hóa này cho mục đích lợi nhuận. Chính phủ Trung Quốc cần giám sát mọi khía cạnh của bảo vệ nguồn lợi nhằm ngăn chặn việc lạm dụng hay hủy hoại di sản bằng cách ban hành một quy định ghi rõ thế nào là bảo vệ nguồn lợi và các biện pháp triển khai.
Hà Thu (Theo Tân Hoa Xã / Quân đội nhân dân cuối tuần, 26/03/2009)

Chú thích ảnh: Một bức Thangka (Ảnh: Thangka Paintings)

0 Comment: